Chuyển tới nội dung

CMC đóng góp ý kiến cho Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020

18-11-2020
Chiều ngày 18/11 tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam (Vietnam Open Summit 2020) đã diễn ra với sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo của Bộ, Cục Tin học hoá, Hiệp hội cùng đại diện các doanh nghiệp công nghệ. Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "CNTT và công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Công nghệ số phải rẻ như không khí, và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở. Đó không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở, chuẩn mở, cùng với đó là văn hóa mở."

Sau bài phát biểu của Bộ trưởng, đại diện Cục Tin học hoá, đại diện các CLB về điện toán đám mây, phần mềm nguồn mở cùng đại diện các doanh nghiệp công nghệ lớn đã đóng góp nhiều đề tài trao đổi liên quan đến công nghệ mở, mã nguồn mở.

Ông Lương Tuấn Thành - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC và CMC TS đã có bài trình bày về "Phát triển sáng tạo từ văn hoá mở và nền tảng mở".

Ảnh: Ông Lương Tuấn Thành - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC và CMC TS đã có bài trình bày về "Phát triển sáng tạo từ văn hoá mở và nền tảng mở".

5 năm trước, Tập đoàn CMC xây dựng CMC Cloud và Trung tâm điều hành an ninh mạng CMC SOC trên nền tảng mở với đội ngũ hơn 100 nhân sự làm về R&D. Ông Thành cho biết, là một tập đoàn công nghệ lớn, đã có sẵn hạ tầng, CMC cũng quan tâm đến việc hỗ trợ cho cộng đồng IT, lập trình viên phát triển. "Chỉ khi chia sẻ thì mới có động lực để tạo ra giải pháp mới!" - ông Thành nhấn mạnh.

Trong dự án CMC Cloud và CMC SOC, Tập đoàn CMC có nhiều đề án chia sẻ cho cộng đồng. Các mã nguồn mở và Module của AI, Big Data trong CMC Cloud sẽ được đưa lên GitHub cho sinh viên, lập trình viên sử dụng.

Hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N của CMC được giới thiệu vào năm 2018 chỉ có 7 dịch vụ chính đều có nền tảng trên CMC Cloud. Khi CMC chuyển mô hình dịch vụ mở, cho phép các đối tác cùng tham gia phát triển thì hiện tại, C.OPE2N đã có hơn 30 dịch vụ mới. Theo ông Thành, "các đối tác này gồm cộng đồng lập trình viên, các đơn vị hợp tác và các viện nghiên cứu." Trong năm 2020, Tập đoàn CMC cũng giới thiệu cho các trường đại học nền tảng của CMC để xây dựng các AI data model miễn phí, chỉ khi có sản phẩm thương mại mới tính phí.

Tại sự kiện, ông Lương Tuấn Thành cũng nêu các cam kết của Tập đoàn Công nghệ CMC về xây dựng, chia sẻ với cộng đồng:

- Xây dựng công nghệ giải pháp trên nền tảng mở kết hợp tri thức từ nền tảng "Enterprise"

- Đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức cho cộng đồng

- Mở rộng hỗ trợ nền tảng cho giáo dục và Startups

- Đầu tư R&D trên công nghệ và nền tảng mở

- Cam kết đồng hành cùng các nền tảng mở xây dựng và phát triển công nghệ (Opensource, Openstack, Git, Elastic, Cloud Native,...)

Diễn đàn Công nghệ mở được phát trực tuyến đến 63 Sở TT&TT các tỉnh thành toàn quốc. Diễn đàn Công nghệ mở là cam kết, chiến lược và chương trình hành động của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Lựa chọn phát triển công nghệ mở, phần mềm nguồn mở và mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của Việt Nam. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên thừa hưởng nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.

32 bầu chọn / Điểm: 0