Chuyển tới nội dung
Công nghiệp 5.0: Sợi dây liên kết bền chặt với chuyển đổi số
Tin tức & Sự kiện

Công nghiệp 5.0: Sợi dây liên kết bền chặt với chuyển đổi số

06-11-2023
Công nghiệp 5.0 là một mắt xích không thể thiếu trong phát triển chuyển đổi số. Để quá trình chuyển đổi số ngày một lớn mạnh, sợi dây liên kết với ngành công nghiệp 5.0 cần được bền chặt hơn nữa.

Công nghiệp 5.0 được hiểu là một bước tiếp sau của công nghiệp 4.0, trong đó, con người làm việc song song với những máy móc, thiết bị thông minh. Mặc dù xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp 5.0 là sự hoạt động Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ vũ trụ ảo,… tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là cốt lõi. Chuyển đổi số mang những đặc điểm tính chất cho thấy sự liên kết với ngành công nghiệp 5.0, đặc biệt là về yếu tố công nghệ thông minh và con người luôn đóng vai trò chủ đạo, trung tâm.

 

Liên kết giữa công nghiệp 5.0 và chuyển đổi số

Sự liên kết giữa công nghiệp 5.0 và chuyển đổi số thể hiện rõ rệt ở những đặc điểm mang tính then chốt.

Con người là trung tâm

Trong công nghiệp 5.0 cũng như trong quá trình phát triển chuyển đổi số, con người luôn có vai trò chủ chốt để vận hành máy móc, thiết bị cũng như điều phối công việc hợp lý. Kỹ năng cũng như sự sáng tạo của con người trong khi làm việc là chìa khoá thúc đẩy cho sự phát triển ngành công nghiệp 5.0 nói chung và chuyển đổi số nói riêng.

Sean O'Reagain, Phó Trưởng ban Công nghiệp 5.0, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới thuộc Ủy ban Châu Âu, chia sẻ tại Đại hội Thế giới Giải pháp IoT: “Chúng ta đang nói về sự chuyển đổi từ cách tiếp cận dựa vào công nghệ sang cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, trong đó coi người lao động là một khoản đầu tư chứ không chỉ là chi phí, đồng thời áp dụng các công nghệ giúp nâng cao năng lực và khả năng sáng tạo của họ với tư cách là những người tham gia tích cực trong quá trình này”.

Theo đó, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người mà còn giúp con người nâng cao kỹ năng trong quá trình làm việc. Ngoài ra, khi con người làm chủ công nghệ, tạo điều kiện cho những sáng kiến mới ra đời. Con người liên tục phát triển những công nghệ mới, hiện đại hơn để thay thế cho những công nghệ không còn phù hợp.

Phát triển bền vững

Được coi là một bước tiến tiếp sau công nghiệp 4.0, do đó, phát triển bền vững là một phần không thể thiếu trong công nghiệp 5.0 cũng như chuyển đổi số. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên có nguy cơ bị cạn kiệt, có thể tác động xấu đến việc duy trì sản xuất, phát triển bền vững là lời giải cho bài toán trên. Việc tái tạo năng lượng, giảm lãng phí đang được các tổ chức, doanh nghiệp chú trọng khi công nghệ ngày càng tiên tiến. Cũng theo O’Reagain chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là các công ty sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đóng góp tích cực cho việc phát triển bền vững. Cải thiện quy trình sản xuất bằng việc số hoá”. Áp dụng sự tiến bộ của công nghệ để tạo ra những giải pháp phát triển bền vững là một trong những điều tiên quyết cho sự lớn mạnh của công nghiệp 5.0 và quá trình chuyển đổi số.

Công nghệ thông minh

Trong ngành công nghiệp 5.0 cũng như quá trình chuyển đổi số, công nghệ luôn là trụ cột song song với yếu tố con người. Hầu hết mọi công việc, hoạt động sản xuất đều được tự động hoá nhờ công nghệ thông minh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D và internet vạn vật. Không những vậy, công nghệ thực tế ảo, phân tích dự đoán, robot và dữ liệu lớn cũng giúp sức trong mọi lĩnh vực, nhằm tăng thêm hiệu quả và tính chính xác cao.

Kết hợp hài hoà

Mặc dù công nghiệp 5.0 có sự tham gia nhiều của máy móc và công nghệ thông minh và yếu tố con người vẫn ở vị trí trung tâm, tuy nhiên vẫn không thể thiếu được sự hài hoà trong quá trình làm việc. Theo Tiến sỹ Amr van den Adel, Đại học Công nghệ Auckland chia sẻ: “Công nghiệp 5.0 tạo ra môi trường làm việc hài hoà giữa con người và máy móc để đạt được hiệu quả và năng suất cao nhất. Việc này giúp các quy trình sản xuất trở nên linh hoạt, dễ dàng thích ứng với nhu cầu làm việc của thị trường và tối ưu hoá sự phân bổ nguồn lực”.

Điều này cho thấy, sự hài hoà trong môi trường làm việc giữa con người và công nghệ thông minh không chỉ làm tăng năng suất mà còn giúp tạo ra sự cân bằng trong việc phân bổ nguồn lực phù hợp.

Thúc đẩy bền chặt sợi dây liên kết giữa công nghiệp 5.0 và chuyển đổi số

Trong thời đại hiện nay, việc mở rộng chuyển đổi số không chỉ là một điều tất yếu mà còn là bước đà để phát triển cho những giai đoạn tiếp theo. Do đó, sợi dây liên kết giữa công nghiệp 5.0 và chuyển đổi số cần được thắt chặt hơn nữa.

411-202310181521232.png

Phát huy yếu tố con người là trung tâm

Yếu tố con người luôn ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động trong thời đại công nghiệp 5.0 cũng như chuyển đổi số. Vì vậy, vai trò này cần được chú trọng và phát huy. Các doanh nghiệp, tổ chức cần có những phương án hợp lý để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là việc phát triển kỹ năng để tăng sự hiểu quả khi làm việc song song với công nghệ thông minh.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần thu nạp và liên tục cập nhật những kiến thức về công nghệ mới để bắt kịp với môi trường làm việc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần có những sự phân bổ phù hợp để tạo ra sự cân bằng trong môi trường làm việc giữa máy móc, thiết bị công nghệ thông minh và nguồn nhân lực sẵn có.

Đẩy mạnh công nghệ tái tạo

Để phát triển bền vững trong thời đại chuyển đổi số, do đó cần những giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghệ tái tạo. Các doanh nghiệp, tổ chức cần có những kế hoạch cụ thể để tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông minh cũng như sự hiệu quả của nguồn nhân lực trong việc áp dụng mô hình tái tạo trong quá trình sản xuất. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần chú trọng vào việc thay thế những máy móc, phương thức sản xuất không phù hợp với việc phát triển bền vững và nâng cấp công nghệ mới có thể tái tạo được năng lượng, tài nguyên phục vụ cho việc sản xuất lâu dài.

Tối ưu hoá công nghệ thông minh

Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của công nghệ thông minh trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số phát triển, những điểm mạnh của công nghệ thông minh cần được tối ưu hoá. Các doanh nghiệp, tổ chức cần có những đánh giá thường xuyên về sự vận hành của máy móc, công nghệ thông minh nhằm phát huy sự hiệu quả mà công nghệ đó đem lại; bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa những yếu điểm có thể gây ra tác động xấu đến quá trình sản xuất. Không những vậy, các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần tính đến sự kết hợp hài hoà giữa công nghệ thông minh và yếu tố con người trong môi trường làm việc, từ đó làm tăng thêm tính chính xác của công nghệ thông minh trong quá trình vận hành./.

Tài liệu tham khảo

https://www.mastercontrol.com/gxp-lifeline/3-things-you-need-to-know-about-industry-

 

Nguồn : Trích báo ICT Viet Nam

2 bầu chọn / Điểm: 1