Chuyển tới nội dung
Tọa đàm “Chuyển đổi số và các hình thức hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”
Xu hướng công nghệ

Tọa đàm “Chuyển đổi số và các hình thức hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”

19-11-2021
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và còn kéo dài, sự thôi thúc của cuộc cách mạng công nghệ thông tin đòi hỏi cơ quan lập pháp chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của mình không chỉ trong tổ chức kỳ họp mà còn trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.

Nhằm tìm các giải pháp hoàn thiện về mặt pháp lý, phương thức thực hiện và giải pháp công nghệ cho phương thức họp trực tuyến, tiến tới biểu quyết trực tuyến của Quốc hội và những bước đi chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội, vào chiều ngày 19/11/2021, tại Văn phòng Quốc Hội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số và các hình thức hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.

Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của Việt Nam về những kết quả, thách thức phương thức họp trực tuyến; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm áp dụng một cách hiệu quả, góp phần đặt nền móng cho Quốc hội điện tử.

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

- Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật;

- Bà Phạm Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội;

- ThS. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp;

- Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối giải pháp dịch vụ Điện toán đán mây, CMC TS;

- Ông Vũ Anh Hưng, Giám đốc phát triển các giải pháp OEM của Dell Technologies tại Việt Nam.

Tại Toạ đàm, các khách mời đã trao đổi về hai chủ đề chính: Kinh nghiệm một số nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập phápChuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và tiếp xúc cử tri.

Là đại diện của doanh nghiệp công nghệ có kinh nghiệm tư vấn, triển khai các dự án chuyển đổi số cho tổ chức/doanh nghiệp, Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây, CMC TS đã trao đổi về chia sẻ nội dung liên quan đến phần bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin cho các buổi họp nói chung, đặc biệt là buổi họp Quốc hội.

Ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Khối giải pháp dịch vụ Điện toán đám mây, CMC TS.

Theo ông Tú, “có hai yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất, với công nghệ phát triển như hiện nay, có thể dựa trên công nghệ AI để làm giả hình ảnh, làm giả âm thanh, nhái giọng bất kỳ ai hay tạo video giả với lời nói của nhân vật bị chỉnh sửa. Với các cuộc họp bình thường, điều này đã rất nguy hiểm. Với những cuộc họp quan trọng như họp Quốc hội, khi họp trực tuyến càng phải lưu ý đến vấn đề này bởi rất nhiều vấn đề trong cuộc họp cần được bảo mật. 

Thứ hai, bảo đảm sự thông suốt về đường truyền vào những thời điểm quan trọng như biểu quyết, và kết quả cuối cùng phải được bảo vệ một cách chính xác, thể hiện tính công minh.

Liên quan đến câu chuyện chuyển đổi số, công nghệ chỉ là một phần của chuyển đổi số. Kinh nghiệm của Tập đoàn CMC khi hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp các giải pháp về chuyển đổi số nói chung cho thấy, công nghệ chỉ chiếm 20%, còn 80% là con người và quy trình. Để đảm bảo dự án chuyển đổi số thành công, điểm cốt lõi nhất là phải dựa trên ý chí quyết tâm và sự sát sao của lãnh đạo. 

Chuyển đổi số là chuyển đổi hoàn toàn quy trình hoạt động, cách thức, phương pháp của tổ chức doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn ở Việt Nam như Hòa Phát, Vin Group... dành nguồn tài chính để đầu tư chuyển đổi số rất tốt, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể chuyển đổi thành công."

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

43 bầu chọn / Điểm: 0