Chuyển tới nội dung
Chuyên gia CMC TS: ‘Định danh điện tử không thể thiếu khi xây dựng đô thị thông minh’
Tin tức & Sự kiện

Chuyên gia CMC TS: ‘Định danh điện tử không thể thiếu khi xây dựng đô thị thông minh’

02-08-2022
Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 tổ chức tại Hà Nội, ông Tống Mạnh Cường - Giám đốc Phát triển Sản phẩm, Khối Tư vấn giải pháp Chuyển đổi số, CMC TS nhận định: “Digital identity – Định danh điện tử là một phần không thể thiếu trong xây dựng đô thị thông minh, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ và nhà cung cấp để quản lý”.
Ông Tống Mạnh Cường - Giám đốc Phát triển Sản phẩm, Khối Tư vấn giải pháp Chuyển đổi số, CMC TS.

Nhận định của ông Tống Mạnh Cường được nhiều chuyên gia tán thành tại diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam diễn ra ngày 16/6/2022. Theo ông Tống Mạnh Cường, khi trao đổi, giao tiếp trên môi trường số, cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp cần giới thiệu “mình là ai?” để xung quanh thấy “ta là ai?”. Để mọi thông tin chính xác, minh bạch và được kiểm soát, định danh điện tử phải bao gồm ba cấu phần: Chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ và cá nhân.

Hiện nay, Chính phủ kiểm tra thông tin công dân thông qua căn cước công dân, hệ thống thông tin mã định danh, thông tin ngân hàng, mạng xã hội… Những thông tin này chính xác, được pháp luật bảo vệ. Song, làm cách nào để Chính phủ xây dựng cơ sở thông tin thô trở thành private ID (mã riêng)? Phân loại thông tin có thể sử dụng, thông tin nào được quản lý và không? Hay, làm sao để cho phép sử dụng KYC (Know Your Customer) để thực thi tác vụ này? Và để giải quyết vấn đề, cần mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.

Ở góc độ người dùng, chuyên gia CMC TS cũng nhấn mạnh người dân cần có hiểu biết về đơn vị cung cấp dịch vụ. Trên môi trường số rộng mở, người dân sẽ dễ dàng bị đánh cắp thông tin nếu không nắm vững quy trình chia sẻ thông tin như thế nào, bảo mật thông tin ra sao để tránh rò rỉ, bị bán dữ liệu vì mục đích thương mại. 

Hiện nay, người dùng có thói quen đăng nhập vào các ứng dụng qua Facebook hoặc Google, như vậy dễ bị lộ các thông tin và bị đánh cắp tài khoản. Nhiều người dùng cũng có thói quen sử dụng mã vân tay trên điện thoại thông minh nhưng một thời gian sẽ phải cài đặt lại. Khi cần gấp sẽ mất thời gian trong quá trình ghi nhớ các loại tài khoản, mật khẩu. Đô thị thông minh ra đời với mong muốn mang lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc hơn, đáng sống hơn. Thay vì người dùng dành quá nhiều thời gian ghi nhớ, đăng nhập, cần định danh số để dễ dàng tiếp cận với các công cụ”, ông Tống Mạnh Cường khẳng định.

Chuyên gia CMC TS cho rằng, nền tảng Digital identity là đáp án cho bài toán trên. Tại các quốc gia phát triển như Canada, hơn 80% người dân tin tưởng sử dụng Digital identity được chính phủ và hệ thống ngân hàng khi quản lý dữ liệu. 

Tại Việt Nam, từ góc nhìn của nhà cung cấp dịch vụ, đại diện CMC TS khẳng định cần xây dựng nền tảng về nhận dạng thông tin cá nhân, đảm bảo thông tin cung cấp đúng. Những doanh nghiệp như CMC TS sẽ kết hợp với các doanh nghiệp khác hoặc cơ quan chức năng để xây dựng mạng chia sẻ thông tin, đảm bảo thông tin xác thực trên nền tảng công nghệ blockchain.

Hệ thống Open API với kiến trúc mở, hình thành nhiều luồng quy trình chéo để tương tác, kiểm chứng thông tin và công nghệ blockchain sẽ giúp CMC TS và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng framework tin cậy. Qua nền tảng này, các bên như: Chính phủ, trường học, ngân hàng, các tổ chức uy tín… có thể kiểm chứng dữ liệu và yêu cầu kiểm tra bất cứ lúc nào, hướng đến xác thực điện tử an toàn, hiệu quả, đảm bảo uy tín”, ông Tống Mạnh Cường nói.

Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 17-6-2022 tại Hà Nội. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức. Với chủ đề "Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh", quy mô của Diễn đàn bao gồm các hoạt động: 1 phiên diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chuỗi 4 phiên hội thảo chuyên đề.

Phiên toàn thể tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ; kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực quản trị đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng tại Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 4 chủ đề chính, bao gồm: Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế; gắn kết đồng bộ, hiệu quả tái thiết đô thị, chuyển đổi số gắn với tầm nhìn phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững; phát triển các mô hình đô thị mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị...

37 bầu chọn / Điểm: 0