Giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet 'make in Vietnam' sử dụng mã nguồn mở
Liên minh Comeet đã đưa dịch vụ ra thị trường bằng một mô hình hợp tác kinh doanh rất mới: Từ thế mạnh của từng thành viên, các công ty hợp lực cung cấp giải pháp, dịch vụ hội nghị trực tuyến trên nền phần mềm nguồn mở - Ảnh: T.HÀ
Các tính năng đáng chú ý của giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet bao gồm: tổ chức hội họp trực tuyến, không hạn chế số điểm tham gia, chia sẻ màn hình của tất cả các thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng Chat, ghi lại nội dung cuộc họp…
Đặc biệt hơn, người dùng có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp.
Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MAC OS, iOS, Android. Giải pháp này cũng không phụ thuộc vào băng thông quốc tế, vì hoàn toàn sử dụng băng thông trong nước.
Giải pháp hội nghị trực tuyến sử dụng mã nguồn mở này là sản phẩm của Liên minh CoMeet gồm 6 thành viên: CMC TS, NetNam, iWay, Cyradar, FDS, DQN.
Tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông xác định 2 định hướng phát triển lớn cho thị trường hội nghị truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, đó là: giải pháp do doanh nghiệp Việt Nam tự xây dựng, phát triển (nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi, ra mắt ngày 15-5 vừa qua cũng được phát triển theo hướng này) và giải pháp phát triển sử dụng mã nguồn mở.
Trong đó, giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet ra mắt hôm nay là một điển hình tiêu biểu cho việc sử dụng mã nguồn mở, làm chủ công nghệ để triển khai giải pháp, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thứ trưởng đề nghị Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và truyền thông) cần kiểm tra, xem xét các yếu tố quyết định người tiêu dùng bên cạnh yếu tố chất lượng của các giải pháp, tránh trường hợp ra mắt xong hoạt động không hiệu quả.
Người dùng có thể tìm kiếm thêm thông tin về Liên minh Comeet cũng như các giải pháp tại website chính thức: https://comeet.vn/ .
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông, "cú hích" đến từ dịch bệnh COVID-19 đã khiến chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là tiền đề để mở ra cơ hội dành cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vươn lên, phát triển các dịch vụ, giải pháp trực tuyến nội địa, cạnh tranh với những sản phẩm của nước ngoài.
Nguồn: Tuổi trẻ