Chuyển tới nội dung
Chuyên gia CMC: "Để xây dựng đô thị thông minh, cần ưu tiên phát triển nền tảng công nghệ"
Tin tức & Sự kiện

Chuyên gia CMC: "Để xây dựng đô thị thông minh, cần ưu tiên phát triển nền tảng công nghệ"

28-06-2022
Sáng 28/6/2022, Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng dưới sự đồng chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và UBND thành phố Hải Phòng. Tại hội thảo, chuyên gia CMC đã giới thiệu về bộ giải pháp số xây dựng đô thị thông minh.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ UN Habitat, Mạng lưới Đô thị thông minh Singapore, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như: Tập đoàn CMC, MobiFone, Hewlett Packard Enterprise (HPE) , Fortinet , Signify và Dell Technologies. 

Với vị thế là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Để góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hóa và hiện thực hóa các mục tiêu trên, Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới” đã tập trung chia sẻ và làm rõ những nội dung về xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; Khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; Hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị. 

Tại sự kiện, ông Tạ Hải Anh - Giám đốc giải pháp, Khối Giải pháp Chính phủ, CMC TS chia sẻ: 

"Hiện nay, các thành phố đầu tư quá nhiều vào các ứng dụng chi tiết, không kết nối với nhau, không tạo ra tính tổng thể. Tính tổng thể này đến từ việc các thành phố có tầm nhìn đúng, kế hoạch đúng, có đề án đúng, ưu tiên phát triển nền tảng chứ không phải các ứng dụng chi tiết." 

Ông Tạ Hải Anh - Giám đốc giải pháp, Khối Giải pháp Chính phủ, CMC TS.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.

Nhiều địa phương trong vùng trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hạ tầng giao thông liên kết vùng phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến là dự án tuyến đường cao tốc ven biển nối 7 địa phương vùng Đông Bắc bộ: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An, tạo thành mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại góp phần phát triển các chuỗi đô thị thông minh.

Tuy nhiên, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn một số tồn tại, như mật độ dân cư vùng còn cao dẫn đến áp lực về phát triển đô thị và các vấn đề phát sinh về môi trường, chất lượng cuộc sống...

Cấu trúc không gian phát triển của Vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng.

Công tác điều phối Vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện...

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã nghe 6 bài tham luận chính từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài trao đổi, làm rõ các vấn đề về Xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; Khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; Hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị.

37 bầu chọn / Điểm: 0