Chuyển tới nội dung
 CMC CEO: Chiến lược của CMC là Go Global để tăng trưởng
Tin tức & Sự kiện

CMC CEO: Chiến lược của CMC là Go Global để tăng trưởng

18-05-2022
CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu trong giai đoạn 2021-2025 với chiến lược "Go Global" (Phát triển thị trường nước ngoài). Báo The Investor đã có bài phỏng vấn Ông Hồ Thanh Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC về hành trình của CMC để theo đuổi chiến lược tham vọng này.
Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Hồ Thanh Tùng.

CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu trong giai đoạn 2021-2025. Cơ sở nào để CMC tự tin làm được điều này?

CMC tự tin với mục tiêu đó dựa trên 3 cơ sở: Doanh thu; Nguồn lực; Năng lực nội tại về công nghệ.

Về doanh thu: Trong năm tài chính vừa qua (4/2021 đến tháng 3/2022), CMC doanh thu thuần đạt 6.906,8 tỷ, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ; Lãi gộp đạt 2.246,7 tỷ tăng trưởng 36% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế 446.3 tỷ lũy kế, tăng 33% so với cùng kỳ.

Về nguồn lực: Các mảng: Viễn thông, Công nghệ và Giải pháp, Kinh doanh quốc tế đến hết năm 2021 đều tăng trưởng ấn tượng. Chúng tôi đang thực hiện đúng chiến lược mà đối tác McKinsey tư vấn: Tiến hành tái cấu trúc để phát triển mạnh mẽ và hợp nhất năng lực. Tập đoàn cũng định vị là nhà tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số hàng đầu cho doanh nghiệp và tổ chức. Bước đi này phù hợp với thị trường – hầu hết các doanh nghiệp nhu cầu số hóa quản trị, chuỗi cung ứng, trao đổi thông tin. 

Về năng lực công nghệ: Năng lực điện toán đám mây của Tập đoàn CMC được đánh giá top đầu thị trường. Chúng tôi là nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam cung cấp giải pháp Multi Cloud bao gồm Private Cloud (giải pháp điện toán đám mây dành riêng cho tổ chức) và Public Cloud (mô hình điện toán đám mây với các dịch vụ IT được phân phối qua internet). CMC khẳng định năng lực an ninh an toàn thông tin với sản phẩm bảo mật CMDD đạt chứng nhận chuẩn toàn cầu VB100 điểm tuyệt đối. CMC cũng sở hữu Trung tâm an ninh mạng (SOC) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đem đến chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và chuẩn quốc tế cho khách hàng.

Bên cạnh đó, CMC đầu tư cho nghiên cứu phát triển để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở năm lĩnh vực: internet vạn vật - thiết bị thông minh (Internet of Things/Smart-Devices), dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), hồ dữ liệu (Datalake), công nghệ chuỗi - an ninh thông tin (Blockchain - Security).

Nhiều năm nay, chúng tôi xác định vị thế là doanh nghiệp toàn cầu. Go global (Phát triển ở thị trường nước ngoài) là định hướng chiến lược của CMC. Nhờ hướng chiến lược đúng đắn, CMC được nhiều đối tác Mỹ, Nhật, EU, APAC tin tưởng hợp tác. 

Theo BCTC quý 3, năm tài chính 2021, tập đoàn ghi nhận lợi nhuận kinh doanh tốt, trong đó khối kinh doanh quốc tế tăng trưởng gấp 8 lần so với cùng kỳ. Xin ông cho biết vì sao khối kinh doanh quốc tế đạt được sự vượt bậc như vậy? Đây sẽ là chiến lược mũi nhọn của CMC trong thời gian tới hay là mảng kinh doanh nào khác?

Khối Kinh doanh quốc tế - CMC Global có bước phát triển “Thánh Gióng” nhờ định hướng chiến lược đúng đắn. Tại các thị trường truyền thống và thị trường mới khai phá, CMC đều được đối tác ngoài nước tin tưởng hợp tác. Sau 5 năm thành lập, CMC Global đạt mốc doanh số hơn 1300 tỷ đồng, xây dựng đội ngũ gần 2.200 nhân viên và có 250 đối tác, khách hàng thuộc top doanh nghiệp thế giới.

CMC Global ghi dấu ấn trên khi doanh thu tăng 185% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty hiện có 10 văn phòng trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, công ty mở văn phòng đại diện thứ hai tại Osaka. Tại Singapore, CMC APAC được thành lập giữa năm 2021, góp phần mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất tại các thị trường đó.

Tại Hàn Quốc, CMC hợp tác chặt chẽ với một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu để ứng dụng các công nghệ mới như: AI, Big Data, IoT… đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

CMC Global kinh doanh tại thị trường các nước nói tiếng Anh cũng đạt kết quả rất tốt nhờ thích ứng nhanh với các biến động của thị trường trước dịch bệnh. Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ và những nỗ lực hợp tác thương mại giữa các quốc gia châu Âu đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp Việt như CMC Global tự tin và vững vàng hơn khi kinh doanh.

Bên cạnh đó, CMC Global trở thành đối tác tư vấn AWS hàng đầu. Đây là cột mốc đánh dấu nỗ lực của CMC Global trong việc phát triển năng lực giải pháp Cloud, phục vụ nhu cầu của khách hàng trên toàn cầu, đặc biệt trong thời đại mà điện toán đám mây đang là xu hướng công nghệ hàng đầu. CMC Global cung cấp đến khách hàng các dịch vụ đám mây end-to-end, bao gồm: Cloud Consulting, Cloud Migration, Cloud Managed và Cloud Security.

Ngoài cung cấp giải pháp công nghệ số cho các doanh nghiệp trong nước, CMC là đối tác chiến lược của nhiều hãng công nghệ lớn của thế giới như IBM, Microsoft, Oracle, SAP…Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp lớn có thể cung cấp giải pháp công nghệ số, vậy đâu là điểm khác biệt của CMC?

CMC có khác biệt về năng lực công nghệ khi hợp tác với các hãng công nghệ và năng lực nội tại như tôi đã trao đổi ở trên.

Hơn thế, chúng tôi có khả năng tích hợp để tạo ra giải pháp toàn diện cho khách hàng. Hiện nay, với sự hợp tác chặt chẽ và sẵn sàng đầu tư để xây dựng năng lực, nguồn lực, CMC giữ vững danh vị cao nhất và đạt các chứng chỉ cao cấp của nhiều hãng công nghệ lớn như Samsung SDS, Microsoft, IBM, Dell EMC, Amazon, Google… giúp đảm bảo hỗ trợ khách hàng tiếp cận những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất.

CMC đã hợp tác cùng hơn 40 hãng công nghệ trên toàn cầu, như năm ngoái cùng Samsung SDS thiết lập trung tâm dịch vụ GDC. Trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị thế giới như hiện nay, hợp tác của CMC sẽ có sự thay đổi gì không so với trước đây?

Năm 2021, CMC có nhiều hợp tác quốc tế thành công, đặc biệt là với Samsung SDS. Quy mô hợp tác của CMC và Samsung SDS đạt hơn 700 nhân sự. Tổng giá trị hợp tác đạt gần 20 triệu USD, tăng trưởng quy mô gấp 2 lần so với cùng kỳ. CMC trở thành đối tác GDC (Global Delivery Center) lớn nhất khu vực Châu Á. Đặc biệt ở mảng Cloud MSP, CMC có gần 250 nhân sự đang làm việc ở lĩnh vực này. Thời gian tới, CMC dự kiến sẽ có khoảng 1.000 nhân sự làm việc trong GDC. 

Ngoài hợp tác với Samsung SDS, CMC tăng trưởng gần 200 khách hàng mới trên toàn cầu. Ở các thị trường chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc, APAC, EU, US, VN) tăng trưởng trên 200%. Chúng tôi cung ứng dịch vụ tới hơn 500 khách hàng worldwide, trong đó trên 10 khách hàng nằm trong nhóm Fortune 500. 

Chúng tôi có được thành công đó nhờ tính cam kết và chất lượng dịch vụ ổn định trong hợp tác với đối tác dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhân sự CNTT chất lượng cao còn thiếu hụt.

Những gì có thể là dấu mốc quan trọng đối với CMC trong năm 2022, đặc biệt trong hợp tác quốc tế?

Tính đến thời điểm hiện tại, CMC có những dấu mốc quan trọng sau:

Tháng 2/2022, CMC trở thành nhà đầu tư chiến lược vào Trường Đại học Á Châu để thu hút nhân tài chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu hàng tỷ USD, quy mô nhân 10.000-15.000 nhân sự vào 2025. Chúng tôi sẽ liên kết với các trường đại học nước ngoài để xây dựng khung chương trình chuẩn quốc tế, giáo trình giảng dạy tiên tiến theo mô hình đại học số đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài CNTT, CMC còn đào tạo chuyên ngành Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Nhật Bản…). CMC cũng liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tạo cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên ngay từ những năm đầu tiên. 

Trong năm 2021 và 2022, CMC cũng đẩy mạnh hoạt động M&A thường xuyên và có hệ thống theo hướng đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), công ty đã trưởng thành và cả hoạt động đối tác chiến lược (partnership). CMC sẽ hợp tác với các bên theo hướng song hành, hỗ trợ để cùng phát triển. Song song với M&A Tập đoàn này cũng sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và startup nội bộ để ươm mầm các ý tưởng táo bạo, khả thi.

Tại Singapore, CMC APAC được thành lập giữa năm 2021, góp phần mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất tại các thị trường đó. Tại Hàn Quốc, CMC hợp tác chặt chẽ với một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu để ứng dụng các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

CMC là một trong những cánh chim đầu đàn công nghệ Việt Nam. Triết lý kinh doanh của ông là gì? Ông định nghĩa thế nào là thành công, và ứng xử ra sao với thất bại?

Về triết lý kinh doanh, ngoài doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng về quy mô doanh nghiệp, CMC muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, để cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi quan điểm: Công nghệ vị nhân sinh, Giáo dục vị nhân sinh. Ngoài phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số, chúng tôi đầu tư vào giáo dục, để tạo ra sản phẩm lâu dài cho xã hội-là những con người mới có đủ năng lực và phẩm chất để đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu, trở thành trung tâm (digital hub) của khu vực. 

Bốn giá trị cốt lõi của CMC là: Creativity (Sáng tạo) – C-Speed (Tốc độ) – Commitment (Cam kết) – Customer Centricity (Hướng khách hàng). Trong đó, Hướng khách hàng chính là triết lý hành động của chúng tôi bởi mọi giá trị cốt lõi của CMC đều hướng đến một mục tiêu – Khách hàng. Sự hài lòng và tin tưởng của Khách hàng cũng chính là sự thành công trong kinh doanh mà tôi luôn mong muốn đạt được.

Xuyên suốt quá trình phát triển, CMC cũng đã phải đối mặt với nhiều trở ngại và thất bại. Quan trọng nhất là không nản chí và từ bỏ, thay vào đó nhìn ra mình đã sai ở đâu để thay đổi. Thất bại cũng là tài sản, cơ hội để mỗi chúng ta có được thành công. 

Theo The Investor

38 bầu chọn / Điểm: 0