Chuyển tới nội dung
 Gia công phần mềm giành giật nhân lực
Tin tức & Sự kiện

Gia công phần mềm giành giật nhân lực

31-07-2012
Tình trạng giành giật nhân sự trong ngành gia công phần mềm đã đẩy tỷ lệ chuyển việc trong ngành này tăng cao.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nói rằng, tỷ lệ chuyển việc ở ngành gia công phần mềm tại Việt Nam đã tăng gần 20% do các công ty phần mềm giành giật nhân sự của nhau trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Ông Dũng cho hay, thời gian vừa qua đã xuất hiện một số công ty phần mềm giành giật nhân sự của nhau, đặc biệt là nhân sự có kinh nghiệm. Thậm chí, có công ty đã sử dụng hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh là nhiều công ty đã đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà không có sự đầu tư thích đáng cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình.

offshore-development-5

Hiện cầu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đang vượt xa cung làm khó các doanh nghiệp khi họ phải đương đầu với tình trạng nhảy việc thường xuyên của nhân sự và mức lương đang được đẩy lên quá cao so với thực tế.

Thêm vào đó, tính chuyên môn hóa ngày càng cao trong lĩnh vực gia công phần mềm cùng với sự xoay vòng liên tục trong sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp đã đẩy thị trường vào chỗ bó hẹp khi không tuyển người được đào tạo từ đầu mà lấy những người có sẵn kinh nghiệm.

Ông Vương Bảo Long, Giám đốc nhân sự Công ty LogiGear Việt Nam, chuyên về kiểm định phần mềm, xác nhận LogiGear cũng rơi vào tình trạnh bị giành giật nhân sự từ các công ty phần mềm khác khi họ gửi email trực tiếp đến từng kỹ sư của LogiGear và đưa ra một mức lương ảo quá cao khiến LogiGear chịu tổn thất không nhỏ.

“Điều đáng lên án là nhiều công ty chỉ săn người khi có dự án và họ cắt hợp đồng lao động sau khi dự án kết thúc. Thậm chí, có công ty rao bán lại số nhân công này cho các công ty khác. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động”, ông Long nói.

Các công ty gia công phần mềm khác như CSC, Global CyberSoft hay TMA cũng rơi vào tình trạng này. Dù không nêu đích danh tên công ty có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các công ty này xác nhận rằng tình trạng cạnh tranh này xuất phát từ một số công ty phần mềm có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập tại Việt Nam và các công ty trong nước mới thành lập.

Trước áp lực giành giật nhân sự, nhiều công ty đã có những giải pháp giữ chân nhân sự của của mình như nâng mức lương và chế độ đãi ngộ tốt, tạo môi trường lao động thân thiện và cơ hội thăng tiến cho nhân viên. Đồng thời, các công ty phần mềm cũng hợp tác với các trường đại học trên đại bàn TPHCM để tăng số lượng và chất lượng sinh viên CNTT để tạo ra nguồn cung lao động ổn định hơn.

Tuy nhiên, theo ông Long thì những biện pháp trên cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề và các công ty phần mềm mong muốn các cơ quan quản lý vào cuộc để giải quyết tình trạng trên.

- Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online -

45 bầu chọn / Điểm: 0