Chuyển tới nội dung

Cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT

05-09-2018
Theo Vụ CNTT - Bộ TT&TT, năm 2017 cả nước đã có hơn 50.300 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNTT với tổng số nhân lực trên 928.000 người và tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm ngoái ước đạt 91.592 triệu USD.

Theo số liệu của Vụ CNTT - Bộ TT&TT, năm 2017 cả nước có 50.304 doanh nghiệp CNTT (đang hoạt động), gấp hơn 2 lần số doanh nghiệp CNTT trên toàn quốc tính đến cuối năm 2016 (Ảnh minh họa)

Cùng với việc công bố kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số công nghiệp CNTT Việt Nam - Vietnam IT Industry Index 2018, tại hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXII chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long” mới được tổ chức tại Vĩnh Long, đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT cũng đã đưa ra các số liệu thống kê phản ánh phần nào bức tranh tổng thể về tình hình phát triển công nghiệp CNTT tại Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017.

Vụ CNTT cho biết, tổng số tỉnh, thành phố làm công nghiệp CNTT đã tăng từ con số 50 của năm 2016 lên 57 trong năm 2017, tăng 7 địa phương.

Số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy, các chỉ tiêu về tổng doanh thu công nghiệp CNTT, kim ngạch xuất khẩu CNTT hay nhân lực CNTT, nộp thuế CNTT trong năm 2017 theo ước tính đều tăng trưởng so với năm 2016. Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 91.592 triệu USD, tăng trưởng hơn 35% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 83.364 triệu USD, tăng trưởng trên 28,7%; tổng số nhân lực CNTT là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế CNTT ước tính trên 23.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26%.

Số liệu thống kê của Vụ CNTT cũng chỉ ra rằng, so với năm 2016, mặc dù doanh thu từ các mảng phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT trong năm ngoái đều tăng trưởng song tỷ trọng doanh thu công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu từ doanh thu phần cứng điện tử. Cụ thể, theo ước tính của Vụ CNTT, doanh thu phần cứng, điện tử năm 2017 là 81.582 triệu USD, tăng hơn 38,6% so với năm 2016, chiếm tới hơn 89% tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm ngoái; doanh thu phần mềm ước đạt 3.779 triệu USD, tăng gần 24,4%, chiếm tỷ trọng hơn 4,1% doanh thu công nghiệp CNTT; doanh thu nội dung số là 799 triệu USD, tăng 8,12%, chiếm gần 0,9% tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2017; và doanh thu dịch vụ CNTT là 5.432 triệu USD, tăng gần 7% so với 2016, chiếm trên 5,9% doanh thu công nghiệp CNTT năm 2017.


Cơ cấu doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017 (Nguồn ảnh: Vụ CNTT - Bộ TT&TT)

Năm 2017, cả nước có 50.304 doanh nghiệp CNTT (đang hoạt động), gấp hơn 2 lần số doanh nghiệp CNTT trên toàn quốc tính đến cuối năm 2016 (tổng số doanh nghiệp CNTT đang hoạt động trong năm 2016 là 24.501 doanh nghiệp). Xét theo lĩnh vực hoạt động, trong số 50.304 doanh nghiệp CNTT tính đến cuối năm ngoái, có 21.880 doanh nghiệp kinh doanh phân phối CNTT; 12.338 doanh nghiệp dịch vụ CNTT; 8.883 doanh nghiệp phần mềm; 4.001 doanh nghiệp phần cứng, điện tử; và 3.202 doanh nghiệp nội dung số.


Cơ cấu xuất nhập khẩu phần cứng, điện tử  của Việt Nam trong năm 2017 (Nguồn ảnh: Vụ CNTT - Bộ TT&TT)

Báo cáo của Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho hay, tổng kim ngạch xuất khẩu CNTT của Việt Nam đã tăng từ 64.730 triệu USD năm 2016 lên 83.364 triệu USD trong năm 2017, đạt tỷ lệ tăng trưởng gần 28,8%. Cũng trong năm 2017, xuất khẩu phần mềm đạt 3.301 triệu USD, tăng hơn 32,1% so với năm 2016; xuất khẩu nội dung số đạt 734 triệu USD, tăng trên 11%; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 74.936 triệu USD, tăng gần 29,8%; và kim ngạch xuất khẩu dịch vụ CNTT đạt 4.393 triệu USD, tăng gần 14,4%.

Như vậy, trong cơ cấu xuất khẩu CNTT, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vẫn có đóng góp lớn nhất, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu CNTT của cả nước trong năm ngoái. Trong đó, về xuất khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng, điện tử năm 2017, điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất – hơn 63,6%, tiếp đó là mạch điện tử tích hợp (9,04%), dây cáp điện, cáp quang (4,92%), máy xử lý dữ liệu tự động (4,74%), máy in (4,37%) và 13,27% là tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm, thiết bị phần cứng điện tử khác.

Trong khi đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng, điện tử của nước ta trong năm ngoái là mạch điện tử tích hợp chiếm, với 40,38%; với tỷ lệ 34,74%, điện thoại và linh kiện xếp vị trí thứ hai trong cơ cấu nhập khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng điện tử năm 2017; tiếp đó là, điện trở chiếm 6,44%; thiết bị bán dẫn chiếm 3,93%; máy xử lý dữ liệu tự động chiếm 2,69%; và 11,82% là các sản phẩm thiết bị phần cứng, điện tử khác.

Theo ICTNews

36 bầu chọn / Điểm: 0