Chuyển tới nội dung

Các chuyên gia dự báo gì về ICT 2013?

12-02-2013
Các doanh nghiệp ICT, các chuyên gia nhận định thị trường ICT năm 2013 sẽ chưa có nhiều khởi sắc và vẫn đậm gam màu tối. Tuy nhiên, đây sẽ là năm quan trọng để thị trường này bứt phát vào năm 2014.

Thị trường viễn thông chưa thể đột phá

Năm 2013 vẫn sẽ là năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp viễn thông và thị trường viễn thông chưa có gì đột phá. Tuy nhiên, năm 2013 sẽ là năm mà các doanh nghiệp sẽ phải tinh lọc và quản lý doanh nghiệp hướng đến quản trị theo chiều sâu và chuẩn bị cho sự phát triển mới. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải tinh chỉnh về giải pháp, sản phẩm và quản lý để cất cánh sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, đây cũng là năm mà cơ quan quản lý hoàn thiện các cơ chế quản lý cho thị trường viễn thông phát triển ổn định từ năm 2014 trở đi. Có rất nhiều chính sách sẽ phải hoàn thiện như chính sách chống phá giá, thư rác, quản lý khuyến mãi. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào việc ra luật chơi minh bạch, còn thi đấu như thế nào là do khả năng của các cầu thủ. Thị trường di động Việt Nam sẽ quay về con số 3 – 4 nhà khai thác di động. 

Xu hướng phát triển dịch vụ 3G sẽ bùng nổ trong năm 2013 cho dù trước đó vẫn phát triển nhưng chậm hơn những gì chúng ta dự báo. Nhìn vào bảng giá cước 3G của các mạng di động đưa ra trong thời gian gần đây cho thấy mức giá cước đã giảm quá nhanh. Hiện giá cước 3G của Việt Nam rẻ hơn trung bình so với Châu Âu tới 40 lần, rẻ hơn 10 lần so với trung bình của Trung Quốc. Những dịch vụ phi thoại sẽ là tâm điểm mà các nhà mạng tập trung vào phát triển trong năm 2013 và những năm tiếp theo khi mà thuê bao đã bắt đầu bão hòa. Thị trường dịch vụ giá trị gia tăng vẫn là mảnh đất màu mỡ nhưng cần lưu ý rằng thị trường này đã qua thời dành cho các doanh nghiệp nhỏ, yếu kém.

"Bức tranh" ICT sẽ có 4 điểm nhấn

“Bức tranh” CNTT-TT Việt Nam năm 2013 sẽ có 4 điểm nhấn lớn. Thứ nhất, tiếp tục cạnh tranh quyết liệt giữa 2 “ông lớn” VNPT – Viettel sau khi Viettel “soán ngôi” doanh thu và lợi nhuận của VNPT. Thứ hai, sự sát nhập trong lĩnh vực viễn thông và truyền hình trả tiền sẽ diễn ra quyết liệt hơn năm 2012. Thứ ba, sẽ tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đảm bảo cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhất là quản lý về giá và khuyến mãi. Thứ tư, điện toán đám mây và máy tính bảng sẽ là yếu tố chủ đạo trong việc cung cấp các giải pháp CNTT-TT cho doanh nghiệp và người dùng.

Doanh nghiệp phần mềm nội địa còn khó khăn

Nhìn lại năm 2012, doanh nghiệp CNTT có thị trường xuất khẩu vẫn giữ được bước phát triển của mình, còn doanh nghiệp CNTT hoàn toàn phụ thuộc thị trường trong nước thì rất khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa. Sang năm 2013, hy vọng thị trường gia công phần mềm trên thế giới sẽ có điều kiện để tiếp tục đà phát triển, và Việt Nam có thể đón nhận thêm nhiều đơn đặt hàng của các khách hàng từ nhiều quốc gia khác, trong đó Nhật Bản là một thị trường rất quan trọng. Về doanh nghiệp phần mềm nội địa thì tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, nên vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, chưa có thuận lợi lắm so với năm 2012.

Hy vọng năm 2013, chúng ta sẽ có một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về CNTT thay thế Chỉ thị 58. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về CNTT và hiện đại hóa sẽ sớm ra đời, tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT rộng rãi, qua đó CNTT sẽ được coi trọng hơn trong đời sống xã hội.

Thương mại điện tử không chỉ phát triển bề nổi

Theo một số dự báo, năm 2013 nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) vẫn sẽ tiếp tục phát triển bền vững bởi TMĐT là công cụ phù hợp giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh khi tái cấu trúc. Dự kiến năm 2013, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến các hình thức tiếp thị trực tuyến, sẽ chú trọng hơn tới việc khai thác các lợi thế của email, website và các thiết bị di động thông minh có khả năng truy cập Internet. TMĐT không chỉ đơn giản ở dạng bề nổi là những hoạt động mua bán trên mạng mà còn liên quan tới nhiều khâu khác như quản lý chuỗi cung ứng, quản lý nguồn lực, quản lý quan hệ với khách hàng. Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể sẽ triển khai mạnh hơn các phần mềm ứng dụng giúp cho công tác quản lý đạt hiệu quả cao hơn, qua đó hỗ trợ tốt hơn hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Khi TMĐT phát triển, bên cạnh mặt tích cực thì TMĐT cũng sẽ bị khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu các cơ quan hoạch định chính sách pháp luật cũng phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TMĐT. Dự kiến năm 2013 sẽ có nhiều văn bản liên quan trực tiếp tới TMĐT được ban hành, đáng lưu ý nhất là Nghị định mới về TMĐT, hoặc hệ thống văn bản pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Sẽ có đổi mới quan trọng về đường hướng, chính sách

Năm 2013, lĩnh vực viễn thông và Internet của Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển tốt. Sẽ có những điều chỉnh nhất định về số lượng các doanh nghiệp do sự đào thải và phát triển của thị trường, khi một số dịch vụ bắt đầu bão hòa. Điều đó không phải là một “điểm tối” trong “bức tranh” CNTT-TT mà là một điều rất bình thường của sự phát triển. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ có xu hướng chuyển sang làm thêm một số dịch vụ khác nữa chứ không phải chỉ làm dịch vụ viễn thông truyền thống, ví dụ như chuyển sang làm truyền hình, nội dung thông tin, các dịch vụ CNTT.

Còn về lĩnh vực CNTT, gồm mảng công nghiệp điện tử - phần cứng - phần mềm - nội dung số và mảng ứng dụng CNTT trong toàn bộ đời sống xã hội, tôi dự đoán năm 2013 sẽ có một số văn bản rất quan trọng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt về ứng dụng CNTT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể có 1 Nghị quyết mới của Bộ Chính trị thay cho Chỉ thị 58 để nói về tầm quan trọng của CNTT và ứng dụng CNTT trong điều kiện mới. Hoặc có thể có 1 số Nghị quyết của Trung ương về cải cách giáo dục, cải cách thể chế, trong đó lồng ghép cả nội dung CNTT. Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn của thị trường, nhất là phần cứng, phần mềm, vì kinh tế khó khăn cho nên chưa có sự phát triển sôi động.

Tới giai đoạn cuối 2013, có thể nhờ giá rẻ của smartphone, tablet, ibook.., công nghiệp nội dung số sẽ bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ, và sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Kinh doanh dựa vào mạng xã hội sẽ gia tăng

Trong năm 2012, người tiêu dùng tại Việt Nam rất quan tâm dùng mạng xã hội để tìm hiểu các thương hiệu, sản phẩm tiêu dùng. Và khi công nghệ điện toán xã hội và mạng xã hội ngày càng phát triển, loại hình doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng. IBM dự đoán, đặt trong xu hướng chung đang diễn ra trên thế giới, hành trình trở thành doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam sẽ gia tăng mạnh từ năm 2013. Trong đó, các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ xã hội để kết nối với nhân viên, chuyên gia; các nhân viên có thể sử dụng những công cụ để hoàn thành công việc, dự án, cập nhật thông tin cho các nhà quản lý, tiếp nhận trợ giúp.

Tuy nhiên, khi kinh doanh trên mạng xã hội, mọi tổ chức cần phải lưu ý đến vấn đề như cần phải lắng nghe khách hàng khi họ đóng góp ý kiến bởi những thông tin phản hồi từ khách hàng có được qua môi trường xã hội rất khác với thông tin nhận được từ các cuộc khảo sát, công cụ thăm dò thị trường truyền thống, đồng thời nhờ các phần mềm, công cụ môi trường xã hội để tích hợp vào hoạt động kinh doanh, biến thông tin khách hàng thành dữ liệu có lợi, hiểu được thị hiếu, quan điểm, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Xuất khẩu phần mềm sẽ tăng mạnh hơn

Đối với ICT, năm 2013 sẽ tiếp tục là 1 năm ảm đạm và nhiều doanh nghiệp phải cố gắng để tồn tại. Tuy nhiên, trong năm 2013, mảng xuất khẩu phần mềm sẽ tăng mạnh hơn năm 2012 (với FPT sẽ tăng khoảng 30%) và các ứng dụng đầu tiên của mảng công nghệ di động (Mobility) sẽ xuất hiện.

Mong sớm có chính sách hỗ trợ công nghiệp nội dung số

Ngành nội dung số hiện nay gặp rất nhiều cản trở do thiếu những chính sách và công cụ hỗ trợ của Nhà nước. Các công ty nội dung số trong nước như VTC Intecom, FPT, VNG đang trong tình trạng thiếu chính sách định hướng phát triển ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi mong muốn nhà nước sớm có chính sách kích cầu đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung số giao lưu với doanh nghiệp nước ngoài để tăng cường đầu tư ra nước ngoài và gia tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm nội dung số. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn nữa, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành sản phẩm mới, tăng cường công tác hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay.

Ngành nội dung số nước ta có đạt được kỳ vọng đặt ra trong Đề án "Nước mạnh" hay không rất cần có một chính sách mới có tính đột phá làm sao vừa giúp doanh nghiệp trong nước phát triển tốt, giữ được thị trường, đồng thời tăng khả năng xuất khẩu. Tôi mong muốn năm 2013 các chính sách sẽ cởi mở hơn, phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, bên cạnh đó có biện pháp quản lý sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp để giữ được thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nội địa.

Smartphone bình dân sẽ phát triển mạnh

Smartphone đang ngày càng được sử dụng rộng rãi tại thị trường Việt Nam. Dự kiến đến năm 2013, smartphone sẽ chiếm 50% trong tổng số điện thoại bán ra thị trường. Trong khi đó, bên cạnh khu vực thành thị thì đáng chú ý là tại Việt Nam hiện còn có tới 70% dân số đang sống ở khu vực nông thôn và Nokia nhận định đây là thị trường rất tiềm năng. Chính vì thế, trong kế hoạch phát triển thời gian tới, Nokia sẽ nhắm mạnh vào phân khúc smartphone bình dân, tung ra các sản phẩm smartphone giá rẻ.

-Theo ICTNews-

41 bầu chọn / Điểm: 0