Chuyển tới nội dung

"Đại gia" xuất khẩu phần mềm muốn tăng trưởng 20 - 30%

13-12-2012
Tiếp đà phát triển thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm lớn như FPT Software, TMA, CMC TS, Tinh Vân đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 20 - 30% trong năm 2013.

"Khai phá" nhiều thị trường ngoại

2012 được nhìn nhận là năm hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm. Nhiều thị trường quốc tế đã được “khai phá” và khai thác tốt.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm FPT (FPT Software – FSoft) cho biết FPT Software đang triển khai dịch vụ phần mềm cho khách hàng ở 11 nước trên thế giới, trong đó, các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu từ mảng xuất khẩu phần mềm đã tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2011, đạt mốc 1.195 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2011. Xét về tổng thể, các thị trường lớn nhất của FPT Software là Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu đều tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng lần lượt là 43%, 74% và 45% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2011, ngay trong bối cảnh bất lợi về tỷ giá đồng Yên/USD/Euro. Dự báo trong 2 tháng cuối năm 2012, thị trường vẫn tiếp tục phát triển nhanh, riêng thị trường Mỹ dự báo năm 2012 sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 60%.

offshore-development-5

Một “đại gia” khác là Công ty Tường Minh (TMA) cũng đã có khách hàng tại 25 nước ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc và New Zealand, Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia…) với 5 chi nhánh tại nước ngoài. Dự kiến doanh thu năm 2012 tăng 20% so với 2011.

Nhỏ hơn một chút về tiềm lực và khả năng phát triển thị trường, CMCMC TS cũng đã triển khai hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm tại 2 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, và nhiều thị trường tiềm năng khác tại Châu Âu (Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển...) cũng như Châu Á (Hàn Quốc, Singapore...).

Còn Công ty Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân cũng đã đặt chân vào 4 thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Đức. “Doanh thu năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 50% so với 2011”, ông Nguyễn Ích Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân chia sẻ.

Đa dạng hóa dịch vụ

Nhiều loại hình dịch vụ “truyền thống” của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam như phát triển ứng dụng, phần mềm nhúng, tích hợp hệ thống, kiểm thử phần mềm (testing)…, đã và vẫn đang được khách hàng quốc tế đánh giá cao.

Trong đó, một số dịch vụ được nhìn nhận là nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới, chẳng hạn dịch vụ phát triển các ứng dụng, trò chơi (game) cho điện thoại di động (smartphone) và thiết bị cầm tay (tablet), phát triển web thương mại điện tử (eCommerce & web development), kiểm thử,… Đại diện CMC TS cho biết trong năm tới, doanh nghiệp này vẫn sẽ tập trung vào mảng làm ứng dụng trên thiết bị di động cho smartphone với hệ điều hành iOS và Android.

Bên cạnh các loại hình dịch vụ truyền thống, một số loại hình dịch vụ mới đã được “nhận diện” và chuẩn bị triển khai. Đáng chú ý nhất là dịch vụ xuất khẩu quy trình doanh nghiệp (BPO).

Theo ông Nguyễn Thành Lâm, “hiện tại, dịch vụ BPO ở Việt Nam còn rất manh mún, thậm chí chưa thành một ngành công nghiệp, những công ty có số lượng nhân viên trên 200 người có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, dịch vụ BPO có đặc điểm không đòi hỏi chuyên môn cao, một số dịch vụ BPO chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, biết đánh máy nhanh và không hề đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, mặc dù làm cho nước ngoài. Việt Nam có thể đẩy mạnh BPO thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong thời gian tới”.

Sẽ tăng trưởng tiếp 20-30%

Trao đổi với phóng viên ICTnews về những mục tiêu, thị trường chủ đạo trong tương lai, đại diện CMC TS cho biết năm 2013 sẽ tiếp tục hướng tới khai thác thị trường Châu Âu vì đây vẫn là một thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, khách hàng trọng tâm vẫn chủ yếu đến từ Nhật Bản và Singapore. Mục tiêu năm 2013 sẽ tăng trưởng 50% về qui mô và doanh thu so với năm nay.

Còn ông Trần Phúc Hồng, Phó Giám đốc Công ty TMA chia sẻ rằng năm 2013, TMA sẽ đẩy mạnh mảng phần mềm dựa trên điện toán đám mây và công nghệ di động, phần mềm tài chính, bán lẻ, xuất bản. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu là 20%.

Không chỉ “bật mí” con số mục tiêu tăng trưởng đều 30%/năm, ông Nguyễn Thành Lâm còn nêu rõ doanh thu mà FPT Software muốn đạt được trong năm tới là khoảng 100 triệu USD. Nhật Bản và Mỹ vẫn là 2 thị trường chiến lược. Bên cạnh đó, FPT Software sẽ đặc biệt quan tâm tới thị trường Châu Âu, dự tính tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT Software tại thị trường này trong hai năm 2013 và 2014 lần lượt là 60% và 50%.

-Theo ICTNews-

40 bầu chọn / Điểm: 0