Chuyển tới nội dung

Cho thuê phần mềm: Khó thu tiền vì thiếu cơ chế

29-10-2012
Phương thức thuê phần mềm được dự báo sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. Song các nhà cung cấp dịch vụ đang gặp vướng khi thu phí sử dụng từ các cơ quan nhà nước do thiếu cơ chế.

Giảm mạnh chi phí đầu tư

Các doanh nghiệp CNTT-TT đều có chung nhận định rằng phương thức cho thuê phần mềm hiệu quả, tiện lợi hơn hẳn so với việc mua phần mềm trước đây.

Với phương thức “mua đứt bán đoạn” phần mềm, các tổ chức, doanh nghiệp phải bỏ một khoản tiền đầu tư ban đầu rất lớn, bao gồm: Chi phí mua phần mềm, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí hỗ trợ, duy trì phần mềm trong khi sản phẩm đó có thể chưa đáp ứng được hết yêu cầu và mong muốn của người sử dụng. Việc này có thể dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan phải bỏ tiền đầu tư một sản phẩm mới trong khi sản phẩm cũ chưa khấu hao hết, hoặc khi muốn cải tiến sản phẩm để phù hợp với thị trường thì lại phải bỏ ra thêm một khoản chi phí mới. Mặt khác, cũng đã có không ít trường hợp sau khi chi tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng mà hệ thống phần mềm vẫn không thể hoàn tất hoặc không được đưa vào sử dụng hiệu quả, gây lãng phí đầu tư.

Còn với phương thức thuê phần mềm, đơn vị sử dụng có thể tiết kiệm tối đa những chi phí đầu tư ban đầu về cài đặt, bảo trì, nâng cấp phần mềm do phía nhà cung cấp dịch vụ “gánh” khoản chi phí này, đồng thời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuê dịch vụ phần mềm còn luôn được cập nhật phiên bản và tiện ích mới nhất mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Bên thuê có thể thay đổi bên cho thuê vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thuê để bảo đảm rằng mình được sử dụng phần mềm tốt nhất trong số các phần mềm cùng loại được cung cấp trên thị trường. Chi phí sử dụng phần mềm được trả trong nhiều năm, dùng bao nhiêu tài nguyên thì trả phí bấy nhiêu. Nhìn chung, hình thức “mua đứt bán đoạn” phù hợp với mảng thiết bị và những sản phẩm hữu hình, còn đối với phần mềm là một sản phẩm vô hình thì áp dụng theo hướng cho thuê dịch vụ sẽ hợp lý và đáp ứng được nhu cầu biến đổi của người sử dụng hơn.

chothuephanmem

Chính vì nhận thấy tiềm năng phát triển của loại hình dịch vụ cho thuê phần mềm, nhiều doanh nghiệp CNTT-TT đã nhanh chóng “vào cuộc”. Công ty Phần mềm Việt (Vietsoftware) đã bắt đầu triển khai dịch vụ cho thuê phần mềm từ năm 2007, trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình cho thuê phần mềm như là dịch vụ (Software as a Service- SaaS) trong xu thế ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing).

Hoặc CMCsoft cũng đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị triển khai dịch vụ cho thuê phần mềm đối với các sản phẩm như: Phần mềm Đại học thông minh IU (Intelligent University) dành cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vừa và nhỏ, hay phần mềm Quản trị thông tin doanh nghiệp eDocman Plus và phần mềm Ứng dụng văn phòng điện tử C-office dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần mềm Thư viện điện tử iLib dành cho các trường đại học, trung tâm thư viện, trung tâm thông tin.

Đáng chú ý nhất là công ty MISA, bắt đầu cung cấp dịch vụ cho thuê phần mềm từ năm 2010, đến nay đã có hơn 1.000 khách hàng đang sử dụng với các phần mềm như Kế toán doanh nghiệp MISA SME.NET, Quản trị nguồn nhân lực MISA HRM.NET, Hệ thống quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN (tích hợp hệ thống các phần mềm Quản trị nguồn nhân lực, tài chính kế toán, Quản trị quan hệ khách hàng, Quản lý công việc, Tin tức... ); Quản lý tài sản QLTS.VN cho các đơn vị hành chính sự nghiệp. Dự kiến thời gian tới, MISA sẽ dần triển khai phương thức dịch vụ cho thuê phần mềm cho tất cả các dòng sản phẩm của mình.

DN kêu khó thu tiền vì chưa có cơ chế chi trả

Trong bối cảnh chi tiêu công ngày càng bị thắt chặt, có lẽ khối các cơ quan nhà nước là đối tượng khách hàng “yêu thích” loại hình dịch vụ cho thuê phần mềm nhất. Ước tính với quy mô một tỉnh cho thấy, việc thuê dịch vụ phần mềm sẽ giúp tiết kiệm cả chục tỷ đồng mỗi năm và rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng trên toàn địa bàn từ một đến vài năm.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có cơ chế nào quy định việc chi trả phí thuê dịch vụ phần mềm trong các cơ quan nhà nước. Bởi vậy, đã có hiện trạng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê phần mềm phải chấp nhận cảnh cung cấp miễn phí hoặc chờ đợi trong hy vọng sớm tới ngày thu được tiền phí sử dụng.

Không ít doanh nghiệp như CMCsoft đã tính tới bài toán “chắc ăn” hơn, đó là tập trung nhắm tới là các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi cho rằng mô hình cho thuê dịch vụ phần mềm hiện không phù hợp với các cơ quan nhà nước do “vướng” cơ chế.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc công ty Vietsoftware cho biết: “Khi cung cấp dịch vụ thuê phần mềm cho khách hàng là các cơ quan nhà nước, chúng tôi phải chủ động đầu tư dù chi phí và tài nguyên của mình còn hạn hẹp, phải chấp nhận các điều kiện khó khăn nhiều khi là khắc nghiệt. Thế nhưng rất tiếc là đến nay vẫn chưa có khách hàng nào tìm được hướng để có thể trả phí dịch vụ thuê phần mềm. Các công ty như chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi mô hình cung cấp dịch vụ này vì còn hy vọng cơ chế sớm được đổi mới. Tuy nhiên, sự chờ đợi này đã qua nhiều năm và sẽ không thể là vô hạn. Vì thế, tôi khẩn thiết kiến nghị Bộ TT&TT và các cơ quan hữu quan khẩn cấp cho ra đời cơ chế dịch vụ CNTT và phần mềm, trong đó cho phép các cơ quan nhà nước được quyền chủ động quyết định khoản chi phí dịch vụ thuê phần mềm”.

Ngay cả MISA, dù hiện không có vướng mắc gì trong chuyện chi trả phí dịch vụ cho thuê phần mềm khi làm việc với khối khách hàng cơ quan nhà nước, song Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hoàng cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT&TT sớm ban hành cơ chế chi tiêu cho sử dụng dịch vụ phần mềm SaaS trong Nghị định về dịch vụ CNTT. Đồng thời ông Hoàng kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng phần mềm như một dịch vụ.

- Theo ICTNews-

125 bầu chọn / Điểm: 0