Chuyển tới nội dung

Sản phẩm CNTT Việt: Phần mềm

20-11-2012
Trong khi nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt đã chinh phục được thị trường trong nước và vươn ra quốc tế, thì các doanh nghiệp sản xuất thiết bị phần cứng vẫn đang phải vất vả chống chọi với việc sinh tồn và phát triển.

Tín hiệu vui của phần mềm Việt

Bàn về hiện trạng thương hiệu CNTT-TT Việt Nam, ông Trần Tiến Nam, Vụ CNTT, Bộ TT&TT nhận xét việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT-TT thương hiệu Việt thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hạn chế về năng lực khoa học công nghệ và tài chính,…

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm, nhiều thương hiệu “made in Vietnam” đã chinh phục được thị trường. Nhắc đến mảng phần mềm ứng dụng, hẳn mọi người sẽ nhớ ngay tới những cái tên như CMCMC TS, Effect, FPT IS, Hanel, Hài Hòa, MISA, Neo, Pythis, Schoolnet, Tinh Vân,… Hoặc mảng phần mềm tiện ích thì không thể không kể tới các thương hiệu Bkav, CMC InfoSec, FPT IS, iNet, Lạc Việt, VTC Mobile, AVSoft Corp,...

CMC-Soft

Nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt đang ngày càng lớn mạnh và sẵn sàng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Điển hình nhất là FPT. Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình không giấu vẻ tự hào khi "khoe" rằng FPT IS đã và đang kiến tạo hầu hết các hệ thống thông tin lớn của quốc gia như hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân, hệ thống thông quan điện tử... Ngoài ra, FPT IS còn sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ triển khai nhiều phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành cho các ngành kinh tế trọng điểm khác như phần mềm lõi ngân hàng (core banking) Smartbank, hệ thống phần mềm lõi công ty chứng khoán FPT.UTS, phần mềm kết nối ngân hàng và công ty chứng khoán FPT.Smart Connect, hệ thống thu ngân sách Nhà nước qua ngân hàng TCS, hệ thống thông tin chính quyền điện tử FPT eGov, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện FPT.eHospital…

Một ví dụ điển hình khác - CMC TS - hiện cũng đang tung ra thị trường hàng loạt phần mềm ứng dụng như phần mềm quản lý văn bản, quản lý công văn, hồ sơ công việc và điều hành tác nghiệp eocman Plus; phần mềm quản trị thông tin doanh nghiệp C-Office; hệ thống quản lý hành chính một cửa - eDocman One,…

Có thể vẫn còn nhiều ý kiến bình phẩm trái chiều về các sản phẩm phần mềm Việt song chí ít thì phần mềm thương hiệu Việt cũng đã tạo dựng được vị thế của mình trên thương trường.

Đặc biệt, đã có những thương hiệu phần mềm Việt không chỉ hoạt động ở phạm vi thị trường trong nước mà còn “nhảy” ra cả thị trường quốc tế. Minh chứng cụ thể là Công ty Cổ phần Phần mềm Âm thanh và Hình ảnh (AV Soft Corp) với các phần mềm tiện ích về xử lý âm thanh. Đây là một trong số không nhiều thương hiệu phần mềm Việt được các trang web tải phần mềm uy tín quốc tế đánh giá xếp hạng cao, trong đó nổi bật nhất là CNET (chủ sở hữu tên miền www.download.com) đã đánh giá ở mức 4/5 sao. Thành công của AV Soft Corp đã tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mạnh dạn đưa sản phẩm trí tuệ Việt Nam ra thế giới.

Phần cứng chưa thoát cảnh “chật vật”

Theo phân loại danh mục sản phẩm phần cứng Việt Nam của Bộ TT&TT thì hiện có 9 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi (gồm: CMC, FPT Elead, Hanel, Huetronics, Khai Trí, Kunkun, Robo, VTB, VTC Mobile); 2 doanh nghiệp có sản phẩm điện tử nghe nhìn (Tiến Đạt, VTB), 2 doanh nghiệp chuyên về sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng (Bkav, Huetronics), 5 doanh nghiệp có sản phẩm thiết bị thông tin viễn thông, điện tử đa phương tiện (ABTel, Hanel, Viettel, VKX, VTC Telecom), 4 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng và linh kiện điện tử (ABTel, HD Vietnam, Huetronics, VTB).

Không “nở rộ” như phần mềm thương hiệu Việt, song cũng đã có một số sản phẩm phần cứng thương hiệu Việt được thị trường trong nước đón nhận như thiết bị gia dụng thông minh SmartHome của Bkav; điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị kết nối Internet 3G của Viettel; thiết bị nghe nhìn gồm amply karaoke và loa của VTB,…

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể sự phát triển của các thương hiệu phần cứng Việt Nam thì bức tranh vẫn đậm màu xám.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, phần cứng điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2012. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD. Thế nhưng theo đại diện của Vụ CNTT, Bộ TT&TT, những con số này hầu hết vẫn chỉ là thành quả của “nghiệp vụ lắp ráp” cho các hãng điện tử, CNTT lớn của thế giới. Doanh thu của các thương hiệu phần cứng Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn bởi chưa thực sự tạo được sự bứt phá trong cuộc đua cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập ngay trên “sân nhà”.

Trao đổi với phóng viên ICTnews về hiện trạng phát triển phần cứng thương hiệu Việt, một lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cũng thừa nhận rằng ngành này đang “đi xuống”.

“Xập xệ” nhất trong mảng phần cứng hiện nay vẫn là các loại máy tính thương hiệu Việt. Những cái tên “đình đám” một thời về máy tính để bàn và máy tính xách tay như CMS (của Công ty Máy tính CMC – CMS), Vietcom (Công ty Điện tử Huế - Huetronics), Wiscom (Khai Trí), Robo,... không còn được nhắc đến với khí thế hồ hởi như cách đây dăm bảy năm về trước. Người dùng trong nước không nhiệt tình chào đón các sản phẩm máy tính thương hiệu Việt một phần do đã có không ít sản phẩm thực chất chỉ được hình thành bởi công đoạn lắp ráp rồi lấy thương hiệu Việt gán vào, không có giá trị cao về hàm lượng chất xám, trí tuệ Việt, giá cả thì vẫn “kẻ tám lạng người nửa cân” so với hàng ngoại nhập.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã quan tâm hơn tới việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, từng bước làm chủ công nghệ nguồn và có sản phẩm CNTT thương hiệu Việt với hàm lượng công nghệ cao. Một số công ty CNTT đã đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển như Công ty Phần mềm TMA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển trị giá 5 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM; Công viên Phần mềm Quang Trung phối hợp với Tập đoàn HP (Mỹ) xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Viettel, FPT, An Bình, CMC, Bkis… cũng đang giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng Việt.

-Theo ICT News-

38 bầu chọn / Điểm: 0