Chuyển tới nội dung

eGov và bài học từ Nhật Bản

18-11-2012
Chính phủ điện tử đã có từ những năm 90 của thế kỷ 20 tại Nhật Bản và trong bảng xếp hạng 10 quốc gia mạnh về eGov, đất nước mặt trời mọc xếp hạng thứ 5. Với những biện pháp triệt để cùng sự tập trung cao độ vào lĩnh vực này, Nhật Bản đã đề ra chiến lược phát triển đến năm 2015.

Chiến lược 2015

Hiện giữ chức CIO trong chính phủ Nhật Bản, Giáo sư Tiến sĩ Toshio Obi thuộc Đại học Waseda đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đề xuất cũng như phát triển chính phủ điện tử tại Nhật Bản. Ông đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo về eGov trong nước và nước ngoài. Những bài phát biểu, số liệu ông cung cấp đã cho thế giới hiểu được phần nào về quá trình phát triển của Chính phủ điện tử ở đất nước mặt trời mọc.

Từ năm 1999, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu “Chỉnh phủ điện tử chủ động”. Trong chương trình này, Nhật Bản hướng tới triển khai hàng loạt ứng dụng trực tuyến được gắn mác “quốc gia” và mục tiêu là 96% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, tính đến năm 2009, chỉ 45% dịch vụ công được trực tuyến. Con số này dĩ nhiên không làm Chính phủ Nhật Bản hài lòng và họ đã đưa ra kế hoạch hành động quyết liệt hơn. Nó được đặt tên là “i-Japan -Chiến lược 2015”.

e-government gallery display

Theo giáo sư Obi, để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Nhật đã mở rộng những nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản về cung và cầu đối với eGov. Thủ tướng Nhật đã thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia. Các chuyên gia của ủy ban này cùng với Chính phủ sẽ tập trung vào 3 mục tiêu lớn nhất là: Phát triển Chính phủ điện tử xuống tất cả các đô thị, khu tự trị; Phát triển các dịch vụ y tế trực tuyến (e-Health) và đặc biệt là tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Tính đến năm 2010, cơ sở hạ tầng ICT của Nhật Bản đã đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ với 95,8% hộ gia đình có kết nối internet; 75% dâ số sử dụng internet ít nhất một lần; Băn thông rộng được đẩy mạnh và hiện đã có hơn 30 triệu thuê bao, trong đó có đến hơn 14 triệu thuê bao Fiber To The Home (FTTH) hay còn gọi là cáp quang, hình thức truyển dữ liệu nhanh và hiện đại nhất cho đến nay. Với cơ sở hạ tầng ICT như vậy, việc thực hiện i-Japan trở nên tương đối dễ dàng và nhanh chóng.

Một điểm quan trọng nữa mà Tiến sĩ Obi nhấn mạnh trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử đó là Cổng thông tin của Chính phủ và các Bộ ngành.. Theo ông eGov sẽ đóng vai trò mở rộng liên kết với trang web hành chính để cho phép người dùng thực hiện tìm kiếm thông tin và quan trọng nhất là công khai bình luận thông tin. Các Bộ, ngành và cả Chính phủ có thể nhanh chóng lấy ý kiến của nhân dân thông qua cổng thông tin. Điều đó sẽ khiến những chính sách và kế hoạch được gần với dân hơn.

Những sáng kiến cho eGov

Chính phủ Nhật Bản luôn khuyến khích các sáng kiến và ý tưởng nhằm nâng cao khả năng hoạt động của bộ máy bằng CNTT. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giảm tải việc sử dụng giấy tờ trong các công việc hành chính cũng như để người dân tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ trực tuyến.

Nhật Bản đang dần thực hiện các sáng kiến chính phủ điện tử bằng cách thiết lập PDCA (Plan-Do-Check-Action: Hoạch định-Thực hiện-Kiểm tra-Khắc phục).

Song song với việc phát triển các sáng kiến, Nhật Bản cũng chú trọng đến những vấn đề không thể thiếu đó là mua sắm công phục vụ Chính phủ điện tử và bảo mật hệ thống. Với vấn đề mua sắm liên quan đến CNTT, Chỉnh phủ Nhật Bản đặt ra các quy định nhằm thu hút đấu thầu một cách nhanh chóng và minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho tất cả các nhhà thầu.Còn về những biện pháp an ninh thông tin, Nhật Bản thành lập Hội đồng Chính sách bảo mật thông tin nhằm đưa ra chiến lược cơ bản cho chính sách an ninh thông tin. Bên cạnh đó, Trung tâm Anh ninh thông tin Quốc gia (NISC) cũng được thành lập với vai trò là cơ quan thực hiện những biện pháp an ninh thông tin.

Cuối cùng, một điểm quan trọng nhất là Nhật Bản khuyến khích việc phát triển hệ thống chính quyền điện tử tại các địa phương, đặt ra các mục tiêu xây dựng hệ thống, giao điện thân thiện với người sử dụng nhưng lại tiết kiệm, thuật tiện, đem lại hiệu quả cao.

-Theo NSS-

44 bầu chọn / Điểm: 0