Chuyển tới nội dung

Việt Nam tiếp tục trong nhóm nhận email độc hại nhiều nhất thế giới

20-08-2018
Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia nhận email độc hại nhiều nhất thế giới, theo báo cáo quý 2 của Kaspersky.

Báo cáo quý 2/2018 của hãng bảo mật Kaspersky (Nga) cho thấy lượng email độc hại được gửi đi trên toàn thế giới không thuyên giảm. Trong đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong số các nước nhận nhiều thư độc hại nhất.

Các quốc gia nhận nhiều thư rác trong quý 2/2018 - Nguồn: Kaspersky

Quốc gia được nhắm vào nhiều nhất bởi các bức thư độc hại lại một lần nữa là Đức. Giữ vị trí thứ nhì là Nga, tiếp theo là Vương quốc Anh, Brazil, và Ý.

Trong quý này, Trung Quốc trở thành nguồn phát tán thư rác phổ biến nhất, vượt qua Mỹ và Đức.

Trong quý II năm 2018, số lượng thư rác đạt đỉnh điểm (51%) vào tháng 5. Tỷ lệ trung bình của thư rác trong lưu lượng email trên thế giới chiếm 50%, thấp hơn 2,16% điểm so với con số trung bình của quý cuối cùng năm 2017.

Báo cáo cũng cho thấy những mục tiêu trọng tâm của các cuộc tấn công lừa đảo vẫn không thay đổi kể từ cuối năm ngoái, chủ yếu là các cổng Internet toàn cầu, các lĩnh vực tài chính, bao gồm các ngân hàng, dịch vụ thanh toán và các cửa hàng trực tuyến.

So với quý I, tỷ lệ tấn công vào các tổ chức tài chính giảm 8,22% và đạt 35,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ tấn công vào các công ty CNTT đã tăng thêm 12,28% và đạt 13,83% trong quý II.

Các chuyên gia của Kaspersky Lab khuyên người dùng thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ bản thân và tránh khỏi lừa đảo: Luôn kiểm tra địa chỉ liên kết và email của người gửi trước khi nhấp vào;

Trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào, hãy kiểm tra xem địa chỉ liên kết được hiển thị và liên kết thực tế (địa chỉ thực mà liên kết sẽ đưa bạn đến) có giống nhau hay không - điều này có thể được kiểm tra bằng cách di chuột qua liên kết;

Chỉ sử dụng kết nối an toàn, đặc biệt là khi bạn truy cập các trang web nhạy cảm. Để phòng ngừa tối thiểu, không sử dụng Wi-Fi không xác định hoặc công cộng mà không có mật khẩu bảo vệ. Để bảo vệ tối đa, hãy sử dụng các giải pháp VPN để mã hóa các truy cập của bạn. Và hãy nhớ: nếu bạn đang sử dụng kết nối không an toàn, tội phạm mạng có thể chuyển hướng bạn một cách vô hình đến các trang lừa đảo;

Kiểm tra kết nối HTTPS và tên miền khi bạn mở một trang web. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đang sử dụng các trang web chứa dữ liệu nhạy cảm - chẳng hạn như trang web cho ngân hàng trực tuyến, cửa hàng trực tuyến, email, trang web truyền thông xã hội, v.v.

Không bao giờ chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của bạn, chẳng hạn như thông tin đăng nhập và mật khẩu, dữ liệu thẻ ngân hàng, v.v. với bên thứ ba. Các công ty chính thức sẽ không bao giờ yêu cầu dữ liệu như thế này qua email;

Sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy với các công nghệ chống lừa đảo dựa trên hành vi để phát hiện và chặn các cuộc tấn công spam và lừa đảo.

Theo ICTNews

31 bầu chọn / Điểm: 0