Chuyển tới nội dung

Nokia trên đường chiếm lại ngôi vương ngành công nghệ

28-02-2017
Thời gian gần đây đang có những dấu hiệu cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của ông hoàng công nghệ một thời này.

Ông hoàng công nghệ bị “quên lãng”

Cái tên Nokia được khai sinh bởi Fredrik Idestam vào năm 1871. Nhưng có lẽ để trở thành ông "vua" điện thoại phải kể từ khi Nokia phát triển hệ điều hành Symbian. Và cũng từ đây tập đoàn Phần Lan này đã thống trị thị trường điện thoại thế giới trong suốt nhiều năm liền sau khi đánh bại Windows Mobile của Microsoft.  

Cách đây chỉ 10 năm, Nokia đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc và trở thành đế chế làng công nghệ thế giới trong những năm 2000-2008 với những chiếc điện thoại từng đem về cho Nokia cả núi tiền cũng như quyền lực độc tôn phải kể đến những cái tên mà đến tận bây giờ vẫn còn quá quen thuộc với người dùng, từ những phiên bản bình dân như Nokia 3210, Nokia 1110 hay Nokia 1200 cho đến những phiên bản cao cấp hơn như chiếc Nokia 7650 là điện thoại đầu tiên được trang bị camera độ phân giải 0,3 MP hay đến seri N như N90, N92, N93i và N95 với camera đã là 5 MP….

Chiếc điện thoại Nokia 1100 đình đám của hãng

Tuy nhiên, với nhiều sự thay đổi diễn ra không ngừng, Nokia mất đi vị trí ngôi vương của mình, thậm chí bị lụi tàn và quên lãng.

Năm 2007 có lẽ là cột mốc đáng nhớ cho những chuỗi ngày điêu đứng sau đó của Nokia khi Apple bất ngờ tung ra iPhone, sản phẩm đã định nghĩa lại điện thoại di động như một thiết bị giống máy tính cá nhân với màn hình cảm ứng và hàng loạt ứng dụng vô cùng hấp dẫn. Cũng kể từ đây, Nokia dù vẫn được mệnh danh là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới nhưng giá trị vốn hóa đã bị giảm tới 75% trong khi giá trị của Apple tăng vùn vụt.

Ngay cả với hệ điều hành Symbian vốn đem lại cho Nokia hàng chục triệu đến vài trăm triệu với mỗi mẫu điện thoại được ra mắt, thì giờ đây Nokia bước vào những tháng ngày cùng cực khi có sự xuất hiện của các hệ điều hành iOS và Android trong năm 2007.

Sự trỗi dậy của hai hệ điều hành IOS và Android đe dọa đến sự hưng thịnh của hệ điều hành Symbian vốn thông dụng với các sản phẩm của Nokia

Mọi chuyện thay đổi không ngừng, để rồi hãng phải "bán mình" cho Microsoft với giá chỉ 7,16 tỷ USD. Đây là con số khiến chính Nokia "tủi thân", khi Microsoft từng mua Skype giá 8,5 tỷ USD, hay Google "thôn tính" Motorola với giá 12,5 tỷ USD. Đây có lẽ đã trở thành “vết nhơ” lớn nhất trong sự nghiệp của ông hoàng công nghệ một thời này, cho đến tận bây giờ.

Những dấu hiệu của sự hồi sinh

Gần 10 năm sau những tháng ngày cay đắng ấy, thế giới đang chứng kiến những thay đổi và vươn mình mạnh mẽ của ông hoàng công nghệ một thời này.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất cho sự trở lại của Nokia chính là việc hãng đã lựa chọn hệ điều hành Android cho các sản phẩm của mình thay vì hệ điều hành Symbian trước đây vốn đã trở nên “lỗi mốt”. Nokia đã từng dùng Symbian trên hầu hết các mẫu điện thoại như Nokia 7650, Nokia 6600, Nokia 7610, Nokia E71, Nokia N95…Sau đó, hãng tiếp tục thử sức với Windows Phone khi hợp tác với Microsoft trên dòng Lumia. Điện thoại chạy hệ điều hành này nổi tiếng nhất là Lumia 520 với doanh số khá lớn, giúp Windows Phone chiếm thị phần tốt sau Android và iOS. Thế nhưng, cũng chính hệ điều hành này đã khiến Nokia đi xuống và chấp nhận bán mình.

Bên cạnh đó, thông tin về việc Nokia tái sản xuất chiếc điện thoại “cục gạch” huy hoàng một thời cũng khiến cả thế giới ngỡ ngàng và chú ý. Cụ thể, sau hơn 10 năm ngừng bán, Nokia 3310 phiên bản cải tiến đã quay trở lại vào cuối tháng 2 này. Mỏng, nhẹ và bền bỉ khó tin, Nokia 3310 phiên bản mới khoác lên mình vẻ hiện đại thời thượng từ một trong những chiếc điện thoại cơ bản bán chạy nhất mọi thời đại. Thời gian nghe gọi lên đến 22 giờ và thời gian chờ lên đến 1 tháng, chiếc Nokia 3310 với thiết kế tươi mới đầy màu sắc sẽ đem đến ấn tượng mới, hứa hẹn gây sốt như cách mà người tiền nhiệm của nó đã chinh phúc cả thế giới với những tính năng làm nên danh tiếng như là pin khỏe, máy bền và trò chơi Rắn săn mồi gây nghiện một thời.

Nokia 3310 được hãng tái sản xuất vào tháng 2/2017

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 26/2/2017 vừa qua, HMD Global, công ty độc quyền khai thác thương hiệu Nokia đã chính thức ra mắt các dòng smartphone Nokia mới.  Nokia 6 hướng tới phân khúc tầm trung với cấu hình ổn: vi xử lý Snapdragon 430, RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB (có thể mở rộng lên đến 128 GB thông qua khe thẻ microSD). Trước mắt, Nokia 6 dành riêng cho thị trường Trung Quốc, với giá bán chỉ chưa tới 250 USD. Với việc hướng tới thị trường đông dân nhất thế giới, Nokia đang cho thấy bước đi hết sức thận trọng của mình. Nokia 5 – chiếc smartphone với thiết kế tinh tế có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Chiếc Nokia 5 được chế tác tinh xảo từ nhôm 6000-series nguyên khối, tạo ra một kiệt tác thiết kế hòa quyện hoàn hảo với màn hình IPS HD 5.2’’ laminated với mặt kính cường lực Corning® Gorilla®, là sự kết hợp tuyệt vời giữa thiết kế và tính năng, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, xứng đáng là sản phẩm chất lượng cao cấp hàng đầu cho mọi người. Nokia 3 – chiếc smartphone ấn tượng mang đến trải nghiệm vượt trội với mức giá hợp lý.

Ngoài ra, cũng có nhiều tin đồn cho rằng hãng đang ấp ủ ý định cho ra mắt một điện thoại khác với tên gọi Nokia 8 - Chiếc điện thoại hướng tới phân khúc cao cấp. Tại CES 2017, Nokia từng đưa bản thử nghiệm của mẫu Nokia 8 có cấu hình mạnh, với hai phiên bản, một bản dùng chip Snapdragon 821 và máy còn lại là 835 mới nhất. Nokia 8 có màn hình Super AMOLED 5,7 inch, độ phân giải Quad HD.

Cơ hội nào cho sự thành công?

Với hàng loạt những hành động mang tính thay đổi và lột xác như thế, liệu cơ hội nào cho sự thành công của Nokia?

Có nhiều yếu tố đem lại cơ hội thành công cho sự chuyển mình lần này của Nokia, có thể kể đến chính là phân khúc thị trường giá rẻ mà hãng hướng tới. Từ trước đến giờ, các sản phẩm của hãng luôn được yêu thích bởi đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của đám đông với chất lượng tốt cùng mức giá phù hợp. Chính điều này sẽ giúp Nokia tạo sự khác biệt với các hãng điện thoại phổ biến hiện nay, vốn đang nhắm tới nhóm khách hàng với mức thu nhập cao như Apple, Samsung,...

Không thể phủ nhận, với quá khứ huy hoàng của mình, Nokia vẫn luôn có sẵn một lượng khách hàng thân thiết luôn mong chờ những sự đổi thay và khác biệt của hãng. Chính vì thế, lực lượng trên được hi vọng sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự chuyển mình thành công của Nokia trong lần trở lại này.

Việc Nokia lựa chọn trở lại và chuyển mình với thay đổi của thời cuộc và xu thế công nghệ thế giới cũng đang cho thấy sự phát triển tích cực và linh hoạt của đội ngũ lãnh đạo hãng công nghệ Phần Lan này. Nếu tận dụng được tất cả các yếu tố trên, thì chắc chắn cơ hội thành công trong lần trở lại lần này của Nokia là không hề thấp. Và biết đâu, thế giới sẽ lại một lần nữa chứng kiến Nokia nắm giữ vị trí ngôi vương của làng công nghệ.

Thảo Hiền

 

32 bầu chọn / Điểm: 0