Chuyển tới nội dung

707 dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai trong năm 2017

13-06-2017
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định ban hành Danh mục 354 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2017 và Danh mục 353 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để các địa phương thực hiện trong năm nay.

Năm 2017, các bộ, ngành triển khai 354 dịch vụ công trực tuyến mức 3,4

Theo Quyết định 846/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 9/6, trong danh mục 707 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, có 354 thủ tục hành chính được các bộ, ngành thực hiện và 353 thủ tục hành chính do địa phương triển khai.

Cụ thể, trong 353 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 để các địa phương thực hiện trong năm nay, đa số là các thủ tục hành chính cấp tỉnh, chiếm tới hơn 89% tổng số thủ tục hành chính do cấp tỉnh thực hiện; 35 thủ tục do cấp huyện thực hiện; và 2 thủ tục được triển khai trực tuyến mức 3, 4 ở cấp xã là Cấp bản sao trích lục hộ t ịch và Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Đối với 354 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tại bộ, ngành trong năm 2017, Bộ Quốc phòng thực hiện 6 thủ tục; Bộ Công an thực hiện 7 thủ tục, Bộ Ngoại giao thực hiện 21 thủ tục, Bộ Tư pháp thực hiện 14 thủ tục, Bộ Tài chính thực hiện 28 thủ tục, Bộ Công Thương thực hiện 12 thủ tục, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội thực hiện 12 thủ tục…

Riêng với Bộ TT&TT, theo danh mục mới được ban hành, có 7 thủ tục hành chính được triển khai cung cấp trực tuyến mức 3 và 4 trong năm nay, bao gồm: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Cấp lại giấy phép bưu chính khi hết hạn; Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính; Thông báo sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam; Đăng ký sử dụng tên miền không dấu “.VN”; Đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt; và Cấp phép nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học.

Đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm nay

Cũng tại Quyết định 846, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá, xác định thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ TT&TT có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ và cấp tỉnh theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chia sẻ thông tin số theo quy định của pháp luật; xây dựng tiêu chí đánh giá, công nhận cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan điện tử.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ TT&TT xây dựng bộ công cụ phục vụ việc tích hợp ứng dụng chữ ký số với các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kết nối, tích hợp dịch vụ công để bảo đảm tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, bảo đảm khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với CSDL quốc gia về dân cư (QCVN:109/2017/BTTTT).

Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm dịch vụ chứng thực chữ ký số cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, vận hành Cổng thanh toán tập trung để thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quy định về việc tiếp nhận, lưu trữ văn bản điện tử, đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử để liên thông giữa các bộ, ngành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các dịch vụ công trực tuyến được ban hành kèm theo Quyết định này và hoàn thành việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã được ban hành kèm theo công văn 2779 ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ tại bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải bảo đảm khả năng kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để truy xuất thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với CSDL quốc gia về dân cư (QCVN:109/2017/BTTTT); bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo kiến trúc thống nhất do Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT hướng dẫn trong quá trình xây dựng các phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ cho biết, đến hết quý I/2017, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện 78/83 dịch vụ công trực tuyến trong Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2016 (Danh mục), đạt 94%, bao gồm 64 dịch vụ công mức 3, 16 dịch vụ công mức 4. Ngoài ra, các bộ, ngành đã chủ động cung cấp 22 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 12 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đối với các địa phương, tính đến hết tháng 3/2017, đã có 32 tỉnh, thành phố thực hiện được từ 22 - 44/44 dịch vụ công trực tuyến trong Danh mục, đạt từ 50% trở lên; 27 tỉnh, thành phố đã triển khai được từ 2 - 20/44 dịch vụ công trực tuyến, đạt dưới 50%, trong đó có 3 địa phương chưa triển khai.

Cũng theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tổng cộng trong năm 2016, các địa phương đã thực hiện 1.102 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, gồm 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 65 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Đồng thời, các địa phương cũng đã chủ động triển khai 7.105 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, gồm 6.622 dịch vụ công mức 3 và 483 dịch vụ công mức 4.

Theo ICTNews

34 bầu chọn / Điểm: 0