Chuyển tới nội dung

79% doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng đón sóng cách mạng công nghiệp 4.0

09-04-2017
Diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" tổ chức chiều 7/4 vừa qua đã công bố kết quả khảo sát 2000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội về sự quan tâm đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Nội hiện nay có hơn 200.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97%. Diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất", do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4 tại Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát với 2000 doanh nghiệp tại 14 chi hội và CLB của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội về sự quan tâm đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết quả cho thấy có đến 85% doanh nghiệp tỏ ra quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Trong những doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Khi được hỏi về chiến lược, 79% doanh nghiệp trong số này cho biết doanh nghiệp của họ chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% doanh nghiệp đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.

Trong 15% các doanh nghiệp còn lại không quan tâm đến cuộc cách mạng này, 67% doanh nghiệp cho hay, họ thấy không liên quan và ảnh hưởng nhiều; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.

Phát biểu trong sự kiện, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, cho rằng, cuộc cách mạng thứ ba Việt Nam đã không bắt kịp, cuộc cách mạng thứ tư thì thách thức lớn hơn. Nếu để phát triển tự nhiên thì trước sau cũng tốt lên, cũng tịnh tiến, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và các nước không biết có rút ngắn được hay không.

“Để bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta có thể bắt kịp về tiêu dùng, tuy nhiên, để bắt kịp về sáng tạo và sản xuất thì cần phải có bàn tay mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông Liên cho biết.

Đại diện cho Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Phó chủ tịch Mai Duy Quang, cho rằng, Chính phủ phải tạo hành lang để doanh nghiệp, start-up công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn.

Trước đó tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ngày 3/4, Chính phủ đã quyết nghị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển.

Kim Cúc (Theo Chinhphu.vn)

33 bầu chọn / Điểm: 0