Chủ tịch Nguyễn Trung Chính: cả đời đam mê chinh phục thế giới số
Năm 1986, khi đất nước vừa trải qua thời bao cấp, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NACENTECH) đã xây dựng đề án sản xuất, chế tạo máy tính tại Việt Nam. Nhiệm vụ cao cả này được giao cho Phòng Tin học, do anh Hà Thế Minh (cố Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC – khi đó 29 tuổi) làm trưởng phòng. Một năm sau, anh Nguyễn Trung Chính được tuyển về.
"Nếu sản xuất thành công máy tính Made In Vietnam, chúng tôi sẽ có cơ hội ghi tên Việt Nam lên bản đồ Khoa học Công nghệ thế giới. Đó là động lực to lớn để chúng tôi hăng say nghiên cứu đêm ngày ở Viện", anh Chính hồi tưởng.
Thời điểm đó, hãng sản xuất nổi tiếng Intel mới bắt đầu nâng cấp công nghệ từ 8bit lên 16bit. Ở Mỹ, Apple đang sản xuất dòng chip 8bit. Nhật Bản thì mới tiếp cận nghiên cứu. Việt Nam quyết định nghiên cứu chip 12bit. So với thế giới, quyết định này của Việt Nam được đánh giá là can đảm.
Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu, Viện NACENTECH còn có nhiệm vụ đưa những nghiên cứu khoa học thành sản phẩm, thậm chí là thương mại hóa. Vì thế, năm 1988, bằng nhiều cách khác nhau, Viện NACENTECH đã nhập được một dây truyền sản xuất máy tính. Sau khi Phòng tin học hoàn thiện thiết kế, Viện đã cho sản xuất ra sản phẩm mẫu đầu tiên gọi là "prototype", và được sản xuất ở mức thử nghiệm 100 chiếc. Những sản phầm này được gọi là "Máy tính Bác Tô" (lấy theo tên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). "Máy tính Bác Tô" sử dụng CPU 12 bit của Hitachi, RAM Dynamic, có bảng mạch chính, ổ đĩa 1.44’’, bàn phím, hệ phát triển EPROM...
Chưa thỏa mãn với lô sản phẩm thử nghiệm, Viện quyết định nghiên cứu tiếp và dự kiến thuê Đài Loan sản xuất bo mạch chủ (mainboard). Do Viện Nghiên cứu nằm trong chế độ bảo mật của Nhà nước nên mọi tài sản trí tuệ đều đặt ở Viện, nhân viên tuyệt đối không được mang tài liệu về nhà.
"Hôm đó là Chủ nhật, ngày bo mạch chủ được hoàn thiện thiết kế, in ra bản film để hôm sau chuyển sang Đài Loan sản xuất hàng loạt. Bỗng tin sét đánh: Viện bị cháy. Tất cả tài liệu, sản phẩm, máy tính, công cụ phục vụ công tác nghiên cứu của Viện đều bị thiêu rụi. Ai cũng bàng hoàng! Nếu không có vụ cháy đó thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính đầu tiên, ngang ngửa với công nghệ thế giới", anh Chính tiếc nuối.
Đám cháy lịch sử đã đốt hết mọi thành quả nghiên cứu khoa học của nhóm kỹ sư trẻ Phòng Tin học nhưng không đốt cháy được nhiệt huyết trong các anh. Sau một năm trời gần như thất nghiệp, anh Hà Thế Minh và anh Nguyễn Trung Chính đã cùng nhau ấp ủ ý tưởng mở doanh nghiệp. "Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến mở doanh nghiệp để thoát nghèo, chứ cũng không mơ mộng cao siêu. Thời đó, giàu là xấu, người kinh doanh bị coi là con buôn, trong khi nghiên cứu khoa học là nghề danh giá". Thế nhưng các anh đã can đảm vứt bỏ "nghề danh giá" để trở thành những "con buôn" công nghệ.
Thời gian đầu, do nguồn vốn eo hẹp, nên các anh chỉ nhập khẩu máy tính về bán và kiêm luôn việc sửa chữa, bảo dưỡng. Công việc khá nhiều vì những người mua máy tính luôn cần có kỹ sư để hướng dẫn. Các anh không những là những kỹ sư giỏi mà còn nhiệt tình hỗ trợ khách hàng nên được khách luôn tin cậy và giới thiệu với bạn bè, người thân. Nhờ đó mà việc kinh doanh ngày càng phát triển.
Nhưng các anh vẫn không nguôi giấc mơ ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới bị bỏ dở. Khi nguồn vốn dồi dào hơn, các anh quyết định trở lại với tâm huyết thời tuổi trẻ: Sản xuất máy tính Made in Việt Nam.
Nhà máy chế tạo máy tính tại Sài Đồng được hình thành trong sự háo hức chờ đợi của anh em CMC. Giấc mơ tưởng chừng sắp thành hiện thực thì một lần nữa chính sách "thuế nhập khẩu nguyên chiếc rẻ hơn giá nhập khẩu linh kiện" đã giáng một cú nặng nề lên những người sáng lập CMC. Việc lắp ráp máy tính vì thế mà không được thành công như mong đợi.
Năm 1998, CMC thành lập Blue Sky - siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam, giống như Thế giới Di động hay Trần Anh bây giờ. Nhờ mô hình này mà CMC dần tạo dựng được danh tiếng trên thị trường. Nhưng sau khi siêu thị ra đời một thời gian ngắn, Việt Nam thay đổi cách tính thuế, chuyển sang áp dụng thuế VAT, khiến hàng trốn thuế nhanh chóng tràn ngập thị trường. Siêu thị Blue Sky bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước những khó khăn dồn dập ấy, đam mê thế giới số vẫn luôn cháy bỏng với anh Chính. Anh kiên trì sản xuất máy tính và hướng CMC phát triển công nghệ theo 3 mảng lớn: phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ gia tăng.
Năm 2007, anh và cộng sự đã quyết định lựa chọn chọn mô hình công ty cổ phần tập đoàn thay cho công ty TNHH 2 thành viên. Nhờ đó, CMC đã có bước nhảy vọt về vốn và tài sản, trở thành công ty đại chúng có quy mô đứng thứ 2 trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam. CMC tự tin để đầu tư mạnh hơn cho các lĩnh vực hoạt động của mình.
Hiếm có công ty nào ở Việt Nam mà sáng lập viên đều là "dân" nghiên cứu về CNTT, nên con đường phát triển của CMC chỉ xoay quanh thế mạnh cốt lõi là CNTT và luôn chú trọng đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, phát triển con người. Là kỹ sư công nghệ có tư duy kinh doanh nhạy bén nên anh luôn tâm niệm "Công nghệ phải vị nhân sinh", phải xuất phát từ nhu cầu của con người, mang đến những điều tốt đẹp cho con người chứ không phải thỏa mãn cái tôi của nhà nghiên cứu. Anh hóm hỉnh: "Dân làm công nghệ thường mắc bệnh tự sướng nhưng mục đích đầu tiên của sản phẩm phải là phục vụ khách hàng".
Trong cuộc cách mạng 4.0, CNTT là nhóm ngành có vai trò rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, CMC đã xây dựng mô hình "Doanh nghiệp sáng tạo" với mong muốn trở thành doanh nghiệp dẫn đầu cuộc đua chuyển đổi số. Về công nghệ, Tập đoàn CMC cũng xây dựng Hệ sinh thái 4.0 với những đường truyền tốc độ nhanh, hệ thống trung tâm dữ liệu Data Center lớn, trung tâm điều hành an ninh an toàn thông tin có độ bảo mật cao và hệ thống phòng thí nghiệm LAB. Đặc biệt, hệ thống phòng LAB sẽ là nơi tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới theo xu thế SMACS (Social-Mobility-Analytic-Cloud-Security) như Security (bảo mật), BigData (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo)…. Anh cho rằng "Cách mạng 4.0 sẽ cuốn tất cả vào một vòng xoáy cạnh tranh mạnh mẽ để rồi lập lại một trật tự mới. Rất có thể, vòng xoáy cách mạng 4.0 sẽ khiến cho nhiều tên tuổi lớn bị chìm nghỉm, ngược lại, sẽ có những công ty công nghệ trẻ, sáng tạo, vươn lên thành tập đoàn hùng mạnh chiếm giữ vị trí hàng đầu…. Tất cả phụ thuộc vào chiến lược, sự đầu tư và năng lực của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp đó".
Đầu tư cho phòng nghiên cứu, anh kỳ vọng, đây sẽ là nơi tạo nên những giải pháp đột phá cho các sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn Công nghệ CMC, giúp CMC bật lên một vị thế mới trong cách mạng 4.0. Còn thẳm sâu trong lòng, anh mong muốn tạo nên một chiếc nôi để thổi bùng lên những đam mê thế giới số, mong các bạn trẻ viết tiếp giấc mơ ghi danh Việt Nam lên bàn đồ khoa học công nghệ thế giới chưa bao giờ nguôi trong anh.
Khi được hỏi "điều gì khiến anh tự hào nhất sau 25 năm phát triến?", Chủ tịch Tập đoàn CMC khẳng định: "Đó là việc tôi có được 2500 cộng sự. Tôi không coi các bạn ấy là nhân viên mà coi đó là những cộng sự đã chung tay góp trí cùng tôi đưa CMC phát triển. Đó là phần hồn của CMC". Chính vì thế, các thành viên trong một gia đình lớn CMC luôn được tạo điều kiện để tiếp nhận cơ hội, thể hiện tài năng, và sống với đam mê của mình.
Chủ tịch CMC bày tỏ: "Nếu biết đam mê, khát khao cháy bỏng thì chúng ta sẽ chinh phục được thế giới số. Passion for Digital world - đam mê chinh phục thế giới số là khẩu hiệu, là mệnh lệnh, là chương trình hành động để biến CMC thành công ty số". Anh cũng cho biết, mục tiêu của CMC trong thời gian tới là xây dựng tập đoàn toàn cầu. Để làm được điều đó, CMC sẽ hướng theo chuẩn World Class trong toàn hệ thống. Anh tin tưởng, World Class sẽ giúp CMC chuyển đổi số thành công, để bước vào một tương lai mới.
Chọn chủ đề Future Next nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Chủ tịch CMC cho rằng, những điều tốt đẹp nhất của người CMC còn ở phía trước. Nếu coi công ty như một đời người thì 25 năm là một cột mốc bắt đầu cho thời kỳ mới, một thời kỳ bứt phá ngoạn mục của CMC.
Theo CAFEF