Chuyển tới nội dung

Hóa ra bấy lâu nay chúng ta không biết "chăm sóc" các thiết bị điện tử đúng cách!

17-04-2017
Thường các thiết bị điện tử của chúng ta đều bắt đầu “có vấn đề” chỉ sau nửa năm sử dụng. Trong hầu hết các trường hợp, người dùng thường đổ lỗi cho nhà sản xuất mà họ không hề biết rằng, chính bản thân người sử dụng mới là nguyên nhân làm các thiết bị điện tử nhanh xuống cấp.

Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ cho các thiết bị điện tử của chúng ta? Bài viết này sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích trong cách “chăm sóc” các thiết bị điện tử từ smartphone cho đến laptop.

Sạc pin

Các thiết bị điện tử ngày nay đều sử dụng pin Lithium-Ion và Lithium-Polymer, chúng đều không có "bộ nhớ" bên trong nên chúng ta không cần phải chờ đến khi pin cạn kiệt 0% rồi mới sạc. Những loại pin này có vòng đời từ 400 - 600 lần sạc (được tính theo những lần pin bị cạn 0% rồi sạc lại), nên việc càng để cạn pin rồi mới bắt đầu sạc sẽ càng giảm tuổi thọ chúng hơn. Vì vậy, để tăng tuổi thọ pin của thiết bị, bạn cần sạc pin thường xuyên hơn. Cách tốt nhất là hãy sạc khi pin thiết bị còn 10 - 20%, điều này giúp làm tăng vòng đời của pin lên 1000 – 1100 lần sạc.

Pin Lithium-Ion và Lithium-Polymer Pin hiện nay không bị ảnh hưởng gì khi bạn để nó tiếp tục sạc dù pin đã đầy. Bên trong các loại pin này đều có chip xử lý để tự động ngắt dòng điện, tránh không làm pin bị sạc nhồi. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể cắm sạc liên tục. Pin sẽ bền hơn nếu bạn giữ chúng ở mức 40 – 80%.

Đây là lý do tại sao pin rẻ tiền không an toàn: Những loại pin này có thể không đạt tiêu chuẩn và không có chip để điều khiển. Bạn cũng không nên dùng những loại củ sạc và dây sạc không có nguồn gốc rõ ràng.

Đừng bao giờ sạc thiết bị của bạn bằng những loại sạc trôi nổi được quảng cáo với tính năng “sạc nhanh trong vòng chưa đầy 1 giờ”. Những loại sạc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể làm thiết bị của bạn “một đi không trở lại”.

Nhiều người dùng thích “làm điệu” smartphone bằng những chiếc ốp quá dày hoặc cồng kềnh, điều này có thể làm thiết bị và pin trở nên nóng hơn khi sạc, vô tình làm hư hỏng các linh kiện điện tử bên trong. Hãy nhớ tháo ốp lưng trước khi sạc để thiết bị tản nhiệt tốt hơn, giúp kéo dài tuổi thọ cho smartphone của bạn.

Theo các chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Battery, người dùng cứ mỗi 3 tháng nên xả pin thiết bị cạn kiệt đến 0% rồi sau đó sạc đầy 100% sẽ giúp pin bền hơn.

Lưu ý đến nhiệt độ

Khi dùng laptop, tránh đặt máy lên trên đùi hoặc lên giường, bởi điều này sẽ làm thiết bị không tản nhiệt được và khiến máy càng nóng hơn. Giải pháp lý tưởng nhất là sử dụng đế laptop chuyên dụng hoặc quạt tản nhiệt cho laptop.

Nhiệt độ cao là kẻ thù của pin Lithium-Ion. Do vậy bạn không được để thiết bị điện tử tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc đặt máy gần những nguồn nhiệt cao.

Vào mùa đông, khi vừa từ bên ngoài trời bước vào trong phòng, đừng ngay lập tức khởi động laptop mà hãy chờ khoảng 1 tiếng đồng hồ để máy có thời gian thích ứng với nhiệt độ ấm áp trong phòng.

Hạn chế sử dụng smartphone ở ngoài trời khi thời tiết lạnh giá. Nếu có thể hãy nhét điện thoại vào túi bên trong áo khoác hoặc cần có một lớp phủ để bảo vệ thiết bị, bởi vì nhiệt độ quá thấp cũng có hại cho pin.

Màn hình

Đừng để màn hình laptop hay màn hình máy tính của bạn bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng sẽ làm màu sắc hiển thị trên màn hình bị bạc màu theo thời gian.

Hãy cẩn thận khi lau chùi màn hình, bởi đây là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất của máy tính. Đừng dùng tay hay bất cứ vật gì ấn vào màn hình nếu bạn không muốn để lại trên màn hình thiết bị của mình những vệt đen xấu xí.

Khi lau màn hình, hãy dùng các loại khăn mềm để lau. Tuyệt đối đừng dùng các dung dịch chùi kính, bởi chất amoniac bên trong dung dịch này sẽ làm hỏng màn hình của bạn.

Trước khi gập laptop lại, hãy kiểm tra cẩn thận xem bạn có để quên vật gì trên bàn phím hay không. Bởi thậm chí một vật nhỏ như mẩu bánh mì cũng có thể làm hỏng mặt kính của thiết bị.

Điện áp

Khi trời đang mưa bão hay sấm sét, hãy tắt nguồn thiết bị điện tử, rút dây sạc ra khỏi ổ cắm và nếu có dây cáp Internet hãy rút ra luôn. Mặc dù hệ thống điện trong nhà bạn có thể được thiết kế để bảo vệ các thiết bị điện không bị quá áp, tuy nhiên điều này không có nghĩa là thiết bị của bạn không bị ảnh hưởng khi nguồn điện bị sét đánh, bởi dòng điện trong tia sét có thể lên tới hàng triệu vôn.

Nếu nơi bạn đang sống có nguồn điện không ổn định, tốt nhất nên trang bị ngay một ổn áp để bảo vệ các thiết bị điện tử của bạn.

Vệ sinh thiết bị

Nhiều bạn có thói quen bỏ smartphone vào trong túi xách, rất có thể các cổng kết nối thiết bị của bạn đang bị phủ kín bởi một lớp bụi bẩn và những mẩu vụn nhỏ, gây ra một số vấn đề khi kết nối. Để vệ sinh thiết bị của mình, bạn hãy tắt nguồn và dùng tăm bông nhẹ nhàng lau chùi cổng kết nối.

Lời khuyên dành cho bạn: Hãy dành riêng một ngăn trong túi xách hoặc sắm một bao điện thoại riêng để bảo quản máy được tốt hơn.

Máy tính của bạn nên được vệ sinh mỗi năm từ 1 – 2 lần. Nếu bạn nhận thấy thiết bị khi chạy phát ra nhiều tiếng ồn hơn hoặc máy trở nên nóng hơn, đã đến lúc máy cần được vệ sinh sạch sẽ để hệ thống tản nhiệt được thông thoáng.

Nếu không biết cách vệ sinh laptop, hãy đem thiết bị đến các trung tâm uy tín để họ chăm sóc máy bạn theo đúng cách.

Thảo Hiền (Theo Brightside.me)

 

31 bầu chọn / Điểm: 0